Sau 10 năm thực hiện Đề án khung quỹ gene cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2013 – 2019 và chia sẻ nguồn gene, hàng chục nghìn nguồn gene động vật quý hiếm đã được lưu giữ, bảo tồn; hàng nghìn nguồn gene được khai thác phát triển tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần tập trung xây dựng nguồn gene bằng cách xã hội hóa, đi sâu đánh giá nguồn gene… để bảo đảm các nguồn gene quý được bảo tồn và khai thác hợp lý.
Phát triển nguồn gene thành sản phẩm thương mại hóa
Báo cáo tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện đề án khung quỹ gene cấp Bộ, cấp tỉnh (2013 – 2019) và chia sẻ nguồn gene, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ Ngô Xuân Bình cho biết, Việt Nam được xếp thứ 16 trên thế giới về các quốc gia có sự đa dạng về sinh học bậc thế với nhiều loại động thực vật, trong đó có nhiều loại có giá trị bảo tồn cao trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Theo báo cáo thống kê mới nhất, Việt Nam có khoảng 1.400 loài thực vật bậc cao, bò sát có 296 loài, thú 322 loài, 887 loài chim, 357 loài bò sát, 176 loài ếch nhái, hàng vạn loài côn trùng và các loài động vật không xương sống khác, vi tảo ở vùng nước ngọt được xác định là 1.438 loài chiếm 9,6% so với thế giới… Nếu tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống… thì sẽ tạo nhiều cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo ông Ngô Xuân Bình, tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm, nguồn gen không chỉ đơn thuần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế mà còn tác động đến mọi mặt của xã hội và an ninh, quốc phòng. Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền, trong vòng 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho biết, qua 10 năm thực hiện, các hoạt động điều tra, thu thập, nhập nội và bảo tồn nhiều nhất được thực hiện đối với nguồn gene cây trồng nông nghiệp. Các cơ quan thuộc hệ thống bảo tồn tài nguyên thực vật nông nghiệp thu thập được 45.975 nguồn gene của trên 500 loài cây trồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây số lượng nguồn gene có giá trị làm thuốc đã phát hiện được 6.784 loài, trong khi đó trước đây dự đoán chỉ có khoảng 4.470 loài.
Đến nay đã phát hiện thêm 55 giống vật nuôi đưa số lượng bảo tồn ở các cấp lên đến 887 giống, trong đó có những giống được khai thác thành hàng hóa và có thương hiệu như Cừu Phan Rang, Bò H’Mông, Ngựa bạch, Gà H’Mông…
Xã hội hóa bảo tồn nguồn gene
Theo các chuyên gia, nhờ việc được bảo tồn và khai thác hợp lý hơn các nguồn gene quý đã và đang tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng ưu chuộng. Các giai đoạn trước nước ta mới chỉ tập trung vào bảo tồn, lưu giữ nguồn gene, hiện nay đã chuyển sang khai thác và chia sẻ nguồn gen với 111 nguồn gene được phát triển thành sản phẩm thương mại hóa, 3.179 nguồn gene được chia sẻ phục vụ nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất. Đây là thành tựu chính đạt được của Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene.
Tại Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện đề án khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2013-2019 và chia sẻ nguồn gen Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện khí hậu, địa lý thuận lợi với nhiều loài động vật, thực vật, đa dạng sinh học… Gene là tài nguyên, tài sản quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên di truyền này, Bộ đã xây dựng đề án khung quỹ gene cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2013 – 2019.
Việc chia sẻ nguồn gen là cơ sở để Việt Nam bảo tồn, tạo lập, lai giống, phát triển nguồn gen tạo ra những gene tốt, mang lại giống mới, sản phẩm mới hiệu quả cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức về công tác quản lý, công nghệ, đầu tư… Do đó, để bảo đảm các nguồn gene quý của Việt Nam được bảo tồn và khai thác hợp lý, tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng cần tập trung xây dựng nguồn gen bằng cách xã hội hóa, đi sâu đánh giá nguồn gene, đầu tư kinh phí giải trình tự mã gene, tìm ra giá trị của từng nguồn gene…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, hiện nay nguồn gene có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên hiện trạng đã, đang và sẽ suy thoái nguồn gene cũng rất rõ, đó là do chiến tranh, thiên tai, phát triển kinh tế. Vì vậy việc thu thập, bảo quản và phát triển nguồn gene cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện cần rà soát tất cả các khâu, các công đoạn từ thu thập, bảo tồn, đánh giá, tư liệu hóa và thông tin cho đến khai thác sử dụng và phát triển nguồn gene. Từ đó có các giải pháp, cơ chế phối hợp, nhằm tập trung vào việc khai thác và chia sẻ nguồn gene để phát triển các sản phẩm thương mại hóa.