Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sóc Sơn, liên quan đến vi phạm đất rừng Sóc Sơn, hiện đã có hơn 80 trường hợp bị xử lý và 9 tổ chức đảng bị xem xét.
Chiều 7.1, tại buổi thông tin báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sóc Sơn đã thông tin về tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, đê điều trên địa bàn.
Theo ông Mạnh, việc vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, đê điều còn chậm được xử lý, còn để phát sinh vi phạm mới chưa được kịp thời xử lý, xử lý chưa kiên quyết. Việc xử lý các công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ, Thanh tra thành phố, công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình, dự án còn chậm.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Sóc Sơn cũng thông tin, năm 2019, có 51 cán bộ, công chức, viên chức của huyện bị xử lý kỷ luật. Trong đó, cấp huyện xử lý 27 cán bộ, công chức (10 lãnh đạo, 17 công chức); cấp xã 24 cán bộ công chức (13 lãnh đạo, 11 công chức).
Liên quan đến vi phạm rừng phòng hộ Sóc Sơn, ông Mạnh cho biết, thực hiện kết luận của Thanh tra Thành phố, xử lý các vụ vi phạm trong năm 2017 và 2018 đã có hồ sơ, UBND huyện Sóc Sơn đã xử lý được trên 50% trường hợp, còn lại các hộ dân đã có đơn khiếu nại, huyện cũng đã giải quyết, sau đó các hộ tiếp tục gửi đơn khiếu nại và Thanh tra Chính phủ đã có yêu cầu UBND thành phố, huyện giải quyết các đơn khiếu nại này. Thành phố đã yêu cầu tạm dừng cưỡng chế để xử lý các đơn thư khiếu nại của người dân.
Về việc xử lý cán bộ vi phạm đất rừng, Sóc Sơn đã xử lý về mặt Đảng, cán bộ công chức, viên chức, 80 trường hợp bị xử lý và 9 tổ chức Đảng bị xem xét để xử lý. Hiện nay, huyện đã hoàn tất công tác xử lý cán bộ và việc này được thành phố đánh giá nghiêm túc, đúng quy định.
Trong kết luận thanh tra thành phố Hà Nội công bố tháng 3.2019, có hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Nhiều sở, ngành như Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng đã họp kiểm điểm và kỷ luật cán bộ sau kết luận thanh tra vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn.
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh…
Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 hecta. Tiếp đó, từ tháng 1.2016 đến tháng 6.2018, qua kiểm tra 28 trường hợp ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp “tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Tháng 10.2018, thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú. Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Cuối tháng 3.2019, thành phố công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. |