Những đám cháy rừng tại Australia bùng phát từ tháng 9/2019 và cho đến nay vẫn chưa được khống chế.
Nhiệt độ cao kỷ lục cùng thời tiết khô hạn nghiêm trọng kéo dài do biến đổi khí hậu đã tạo ra hàng chục đám cháy quy mô lớn trông như những “biển lửa” nhấn chìm Australia, khiến quang cảnh nhiều nơi trông không khác gì “ngày tận thế”, Reuters ngày 6/1 đưa tin.
Tính đến nay, đã có ít nhất 25 người đã thiệt mạng, hai người mất tích, hàng trăm người khác bị bỏng, hơn 1.000 ngôi nhà và 9 triệu ha rừng cây đã bị phá hủy vì cháy rừng. Lửa và khói bụi từ các đám cháy cũng khiến chất lượng không khí ở thủ đô Canberra cùng nhiều thành phố khác của Australia xấu đi nhanh chóng, buộc nhiều cơ quan công quyền và trường học phải đóng cửa, máy bay phải hoãn hoặc hủy chuyến.
Theo dự báo từ các nhà sinh vật học thuộc Đại học Sydney, ngoài thiệt hại cho con người, cháy rừng nhiều ngày cũng để lại những hậu quả khốc liệt cho hệ sinh thái. Ước tính có đến 480 triệu cá thể động vật hoang dã, từ các loại có vú, chim cho tới bò sát, đã chết trong thảm họa cháy rừng ở bang Queensland, New South Wales và Victoria.
Các chuyên gia lo ngại số động vật bị chết trên thực tế cao hơn và có thể làm sụt giảm tới mức khó hồi phục số lượng những loài động vật chỉ tồn tại ở duy nhất Australia hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn loài gấu túi.
Trong bài đăng khiến hàng ngàn người “sửng sốt” trên mạng xã hội, nhà quay phim Matt Roberts của ABC News đã công bố đoạn video anh quay ở bang New South Wales hôm 5/1, trong đó là hình ảnh xác hàng trăm con gấu koala, kangaroo và cừu nằm la liệt bên đường. Chúng bỏ mạng vì thất bại trong nỗ lực thoát thân khỏi những đám cháy hung dữ.
“Xin lỗi vì chia sẻ những hình ảnh đau lòng này gần Batlow, New South Wales. Đây là điều tồi tệ nhất tôi từng thấy, nhưng tôi phải kể lại câu chuyện này”, Roberts viết.
Ông Stuart Blanch, nhà quản lý chính sách bảo tồn rừng tại Quỹ Động vật hoang dã Thế giới của Australia, cho biết các loài động vật thường hồi phục trong những năm và thập kỷ tiếp theo, nhưng ông cũng nói thêm, rằng Úc chưa từng đối mặt các đám cháy có quy mô và cường độ này. Vì thế, nhiều chuyên gia lo ngại rằng một số loài có thể sẽ bị xóa sổ.
Kinh tế Australia lao dốc thảm hại sau cháy rừng
Cuối tuần qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng cháy rừng có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Cùng với đó, ông Morrison tuyên bố thành lập một cơ quan phục hồi sau thảm họa nhằm giúp những người bị mất nhà cửa và cơ sở làm ăn trong trận cháy, với ngân sách khoảng 2 tỷ đô la Australia được cấp trong vòng 2 năm.
David Bassan, nhà kinh tế trưởng tại BetaShares Capital, đã đưa ra lời cảnh báo rằng ngoài sự mất mát to lớn về tính mạng và tài sản, người dân Australia cũng nên chuẩn bị tâm lý để đối phó với suy giảm kinh tế trong thời gian sắp tới.
“Thật vậy, dưới góc độ vĩ mô thì chắc chắn thảm họa cháy rừng sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng như hiện tại, tạo lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Australia”, Bassan cho biết.
“Điều quan trọng là chính phủ sẽ nỗ lực ra sao để thực hiện các chính sách biến đổi khí hậu toàn cầu. Australia sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi biến đổi khí hậu”, ông nói thêm.
Theo nhà kinh tế Bassan, cách tốt nhất để kéo nền kinh tế vào lúc này là tác động tới Ngân hàng Dự trữ Australia vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, các biện pháp nới lỏng định lượng, mua trái phiếu chính phủ để hạ lãi suất dài hạn cũng nên được chính phủ thông qua và thi hành.
Không thể khống chế được đám cháy
Theo Reuters, hiện vẫn còn khoảng 150 điểm cháy tại New South Uwales và khoảng 10 điểm khác tại Victoria vẫn đang chìm trong biển lửa, chưa thể dập tắt hoàn toàn.
Tính từ tháng 9/2019, nước Úc đã phải hứng chịu liên tiếp những đám cháy kinh hoàng trên khắp cả nước. Nước Úc và châu Úc vốn không mấy xa lạ với những vụ cháy rừng, cháy tại các đồng cỏ bởi những đám cháy ấy phần nào làm tăng độ màu mỡ cho đất đai, miễn là có thể kiểm soát kịp thời.
Tuy nhiên, năm 2019 được đánh giá là năm nóng kỷ lục tại Úc, nền nhiệt trung bình tăng tới hơn 1,5 độ C. Nhiệt độ tăng sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, cộng thêm với gió mạnh khiến các đám cháy liên tục lan rộng. Có những nơi gió mạnh lên tới 120 km/h, nhiệt độ đồng loạt tăng mạnh, độ ẩm thấp chỉ khoảng 10% tạo điều kiện cho các đám cháy rừng ở Úc liên tục bùng phát. Vào ngày 4/1, một số nơi như vùng Penrith ở phía Tây TP. Sydney, nhiệt độ đo được là lên tới 50 độ C, là nơi có nhiệt độ nóng nhất trên thế giới vào hôm đó.
Yếu tố chính khiến khí hậu Úc nóng lên bất thường là Lưỡng cực Ấn Độ Dương – Indian Ocean Dipole (IOD), còn gọi là Nino Ấn, là những thay đổi nhiệt độ bề mặt của khu vực Đông và Tây Ấn Độ Dương: nhiệt độ mặt biển ấm hơn ở nửa đại dương phía Tây, và lạnh hơn ở nửa phía Đông. Đây là lần diễn ra cách biệt nhiệt độ lớn nhất trong 60 năm trở lại đây.
IOD chính là lý do khiến miền Đông Châu Phi gặp mưa lớn và lũ lụt, còn Đông Nam Á và Úc lại kh nóng, hạn hán triền miên.
Theo lời Andrew Watkins, trưởng ban dự báo từ xa tại Cục khí tượng, Lưỡng cực Ấn Độ Dương chính là điểm mấu chốt, hiểu được nó là sẽ biết được đợt sóng nhiệt đang tràn vào Úc có sức tàn phá tới mức nào.