Fukushima có kế hoạch trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Gần 9 năm sau vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, Fukushima đang có kế hoạch chuyển đổi thành trung tâm năng lượng tái tạo.

Tỉnh ở phía đông bắc Nhật Bản này đang theo đuổi một dự án đầy tham vọng: biến 100% năng lượng cung cấp cho khu vực vào năm 2040 là năng lượng tái tạo so với mức 40% hiện nay.

Cỏ dại mọc um tùm ở khu phức hợp căn hộ tại Futaba, Fukushima. (Ảnh: Jae C Hong/AP)

Vụ tai nạn năm 2011 – bắt nguồn từ một trận động đất mạnh và sóng thần – đã phát thải một lượng lớn phóng xạ vào khí quyển và buộc hơn 150.000 cư dân phải sơ tán. Tuy nhiên, theo thông tin từ Nikkei Asian Review, Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Ngân hàng Mizuho sẽ tài trợ một dự án trị giá 2,75 tỷ đô la để xây 11 nhà máy năng lượng mặt trời và 10 nhà máy điện gió trên đất nông nghiệp bị bỏ hoang và ở vùng núi vào cuối tháng 3/2024.

Một lưới điện 80 km sẽ kết nối việc phát điện của Fukushima với khu vực đô thị Tokyo – vốn phụ thuộc chặt chẽ vào năng lượng hạt nhân do hai nhà máy nguyên tử ở tỉnh này sản xuất. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra tới 600 megawatt điện, gần bằng 2/3 sản lượng của một nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình.

Theo Viện Chính sách năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo Nhật Bản hiện mới chiếm 17,4% tổng năng lượng năm 2018, thấp hơn các nước ở châu Âu. Chính phủ tuyên bố sẽ tăng mức này lên 22 – 24% vào năm 2030 – mục tiêu mà thủ tướng Shinzo Abe mô tả là đầy tham vọng, tuy nhiên, các nhà vận động khí hậu vẫn chỉ trích là chưa đủ.

Thủ tướng Abe khẳng định bên cạnh năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân sẽ giúp Nhật Bản đạt được các mục tiêu phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu nhưng bộ trưởng môi trường mới được bổ nhiệm Shinjiro Koizumi đã kêu gọi loại bỏ các lò phản ứng hạt nhân để ngăn chặn thảm họa Fukushima tái diễn.

Nhật cần năng lượng hạt nhân – vốn sản xuất ra gần 1/3 điện năng cua nước này trước thảm họa Fukushima – để chiếm từ 20-22% cơ cầu tổng năng lượng vào năm 2030, song việc này vấp phải nhiều chỉ trích từ những nhà vận động cho rằng các nhà máy hạt nhân gây nguy hiểm cho quốc gia.

Tất cả 54 lò phản ứng của Nhật Bản đã ngừng hoạt động sau cuộc khủng hoảng Fukushima. 9 lò phản ứng đang hoạt động đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được đưa ra sau thảm họa.

“Chúng ta sẽ diệt vong nếu để một tai nạn hạt nhân khác xảy ra. Chúng ta không bao giờ biết khi nào chúng ta sẽ phải hứng chịu một trận động đất”, Bộ trưởng Môi trường Koizumi phát biểu khi nhậm chức.

Chính phủ khó có thể đạt được mục tiêu tái khởi động 30 lò phản ứng vào năm 2030 trước sự phản đối mạnh mẽ ở địa phương và những thách thức pháp lý.

Nhật Bản hứng chịu chỉ trích từ quốc tế về việc phụ thuộc vào nhập khẩu than và khí đốt tự nhiên. Tại COP 25 tổ chức ở Madrid, nước này bị Mạng lưới hành động khí hậu trao giải thưởng “hóa thạch của ngày” sau khi Bộ trưởng Công nghiệp tuyên bố kế hoạch tiếp tục sử dụng điện than.

Nhật Bản là nước nhập khẩu than lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Trung Quốc, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ. Các ngân hàng lớn của Nhật đã chấm dứt cấp vốn cho các dự án điện than ở Việt Nam và các nước đang phát triển tại châu Á.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: