Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng thêm 421 cơ sở trữ nước trên toàn quốc để chuẩn bị đối phó với tình trạng thiếu nước được coi là trầm trọng nhất trong vòng 10 năm qua.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on cho biết các cơ sở nói trên bao gồm những dự án nguồn nước mới với các quy mô lớn, trung bình và nhỏ, kể cả những khu vực trữ nước Kaem Ling (Má Khỉ) đặc trưng của quốc gia Đông Nam Á này. Các cơ sở trữ nước mới có thể giúp tăng công suất chứa nước thêm 942 triệu m3 và những khu vực thủy lợi mới có tổng diện tích lên tới 192.000 hectare sẽ được hưởng lợi.
Ông Chalermchai không cho biết ngân sách dành cho dự án hoặc thời gian xây dựng, nhưng khẳng định rằng những dự án đó là cần thiết. Theo ông Chalermchai, Thái Lan đang phải hứng chịu những mô hình mưa dễ thay đổi, một hiện tượng bắt nguồn từ biến đổi khí hậu và dẫn tới tình trạng những hồ chứa nước và sông ngòi có mực nước thấp bất thường.
Trong năm 2018, các tỉnh dọc theo sông Chao Phraya (đổ ra biển ở Vịnh Thái Lan) đã sử dụng nhiều nước hơn mức phân bổ thường niên của Cục Thủy lợi (RID). Điều này đã làm gia tăng những lo ngại về việc xâm nhập mặn vào nhà máy cung cấp nước sạch cho thủ đô Bangkok và những vùng lân cận.
Giải pháp tạm thời là nhà chức trách sẽ chuyển 850 triệu m3 nước từ sông Mae Klong vào sông Chao Phraya để duy trì chất lượng nước sạch. Tuy nhiên, ông Chalermchai cho rằng về lâu dài, chính phủ cần tăng công suất chứa nước vì Thái Lan không thể dựa vào những cơ sở hiện tại. Khoảng 40.000 hồ, với công suất 1.260m3 mỗi hồ, sẽ được đào để “làm chậm lại quá trình cạn nước”. Ngoài ra, các chiến dịch làm mưa nhân tạo cũng đang được hoạch định thực hiện trên lưu vực của 25 sông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpa-archa cho rằng nếu “các kho trữ nước” vẫn không đủ hoặc có mức thấp tới hạn, khai thác nước ngầm sẽ là giải pháp cuối cùng và Cục Nước ngầm cần đào thêm các giếng phun. Cùng với việc phát triển nguồn cung nước, người dân cũng phải sử dụng nước một cách thông minh.
Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã khuyến cáo người dân cần sẵn sàng đối phó với hạn hán nghiêm trọng dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 1 và kéo dài tận nửa năm 2020. Phát biểu sau cuộc họp Nội các ngày 2/1, Thủ tướng Thái Lan cho biết tình hình hạn hán tại nước này trong năm nay có thể sẽ nghiêm trọng hơn những năm trước. Rất nhiều sông lớn đang cạn nước, trong khi nước mặn lại đang xâm nhập vào các con sông.
Theo dự báo của Cục Khí tượng Thái Lan, hạn hán sẽ lên đến đỉnh điểm trong tháng 1 và 2, hiện tượng này sẽ tiếp tục kéo dài cho tới tháng 5 trước khi có mưa vào tháng 6. Những khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là 43 tỉnh ở các khu vực miền Bắc, miền Trung và Đông Bắc.