Là một trong những quốc gia đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, song gần đây Ðức “bỏ lỡ” các mục tiêu cắt giảm khí thải và phải liên tiếp điều chỉnh mục tiêu cho năm 2020. Liên minh cầm quyền của Thủ tướng A.Méc-ken vừa được “bật đèn xanh” với gói chi hơn 54 tỷ ơ-rô cho mục tiêu mới, với tầm nhìn 2030.
Sau nhiều tuần thảo luận và hơn 18 giờ đối thoại nội bộ, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ðức A.Méc-ken mới đây đã thống nhất về một kế hoạch toàn diện và đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải đến năm 2030. Trước đây, Ðức từng là quốc gia dẫn đầu phong trào hành động chống biến đổi khí hậu với những chiến dịch đầy tham vọng nhằm giảm lệ thuộc của nền công nghiệp với nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ Ðức thất bại trong việc giảm lượng khí thải và mọi người dân đã nhận thấy những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu.
Với kế hoạch mới được thông qua, Chính phủ của bà Méc-ken đặt một mục tiêu quyết liệt hơn cho tầm nhìn đến năm 2030 là cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, Chính phủ Ðức sẽ áp thuế khí thải các-bon trên khối lượng chất thải của những tập đoàn công nghiệp, cùng với đó là các chính sách ưu đãi, khuyến khích những sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, bắt đầu từ năm 2021, khí thải từ việc đốt nhiên liệu và vận tải sẽ bị đánh thuế 10 ơ-rô trên một tấn khí CO2, tiếp tục tăng dần lên mức 35 ơ-rô vào năm 2025, và sau đó chuyển sang cơ chế tự do cho các đơn vị mua bán giấy phép khí thải. Những người tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí nhiên liệu tăng cao sẽ được ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân khi sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển.
Chính phủ cũng sẽ trợ giá xe điện và lò sưởi tiết kiệm nhiên liệu, cấm toàn bộ lò đốt dầu vào năm 2025, tăng thuế vận tải hàng không và giảm giá cho người dân đi tàu hỏa trong nỗ lực định hướng người tiêu dùng đến với những lựa chọn thân thiện hơn với môi trường. Những khoản thu từ thuế khí thải sẽ được Chính phủ đầu tư vào những nguồn năng lượng tái tạo, như mặt trời và gió.
Tuy nhiên, “kế hoạch xanh” của Thủ tướng Méc-ken cũng gặp phải nhiều thách thức. Phe đối lập cũng như những chuyên gia khí hậu chỉ trích kế hoạch nêu trên là chưa đủ quyết liệt. Các chuyên gia cho rằng, thuế khí thải được áp ở mức 50 ơ-rô trên một tấn khí CO2 mới đủ sức răn đe các tập đoàn xả khí thải và thúc đẩy sự phát triển của những công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn.
Trước đó, khi những nhà hoạch định chiến lược của Ðức tranh luận về một kế hoạch mới, khoảng 100 nghìn người dân Ðức ở mọi lứa tuổi đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Béc-lin để kêu gọi Thủ tướng Méc-ken và Chính phủ thực hiện các cam kết và hành động mạnh mẽ, thiết thực hơn trong việc xóa bớt “dấu chân các-bon” của các tập đoàn công nghiệp xả ra môi trường. Những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay không còn là vấn đề của riêng mỗi quốc gia khi những đợt hạn hán, nắng nóng vượt kỷ lục hay những vụ cháy rừng ở diện rộng chưa từng thấy đã xảy ra liên tiếp. Ở những thành phố lớn trên khắp các châu lục, hàng triệu người ra sức kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động hơn nữa vì một tương lai chung.
Theo một nghiên cứu mới đây, 63% số cử tri Ðức cho rằng, con người chính là nguyên nhân của tình trạng Trái đất ấm lên và các chính sách bảo vệ môi trường cần được ưu tiên thông qua, kể cả phải đánh đổi bằng sự hạn chế trong phát triển kinh tế. Mặc dù, trong kế hoạch của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Méc-ken, mức thuế khí thải khởi điểm còn tương đối thấp, tuy nhiên, bà Méc-ken tin tưởng những chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong kế hoạch mới được thông qua sẽ giúp đưa Ðức trở lại vị thế của một quốc gia đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.