Trong khi nhà nhà vui vẻ đón Tết, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn ngày đêm phơi nắng, phơi sương làm sạch phố phường, càng những ngày lễ tết, lượng rác càng nhiều và… họ sợ Tết.
Nghề vất vả nhưng ít được xã hội coi trọng
Gặp chúng tôi hồ Hoàn Kiếm, nơi vừa diễn ra chương trình Countdown chào đón năm mới, chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Tổ trưởng tổ 1, Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội tỏ ra khá mệt mỏi khi nhớ lại không khí ngày cuối cùng của năm 2019.
“Tổ tôi chỉ có 6 người làm quanh Hồ Gươm, đêm đó phải vay thêm người làm, mãi đến sáng mới dọn xong, rác nhiều khủng khiếp, người thì đông nhưng ý thức kém lắm, họ giẫm nát hết bồn hoa, có người còn mang cả cây về, rác vứt khắp nơi, kinh hoàng”, chị Hiếu nói.
Chị Hiếu được coi là một công nhân kỳ cựu trong ngành, bắt đầu làm việc từ năm 1991, đến nay chị đã có thâm niên 29 năm gắn bó với nghề. Thế nhưng, ít ai biết rằng, gần ba chục năm ấy, có đến 20 năm chị không được đón giao thừa ở nhà.
“Những ngày lễ Tết, lượng rác tăng kinh khủng luôn, chị em lại càng phải tăng ca, thêm giờ, nhiều khi phải vay cả tua ngày, không được nghỉ. Lễ Tết thì chị em tranh thủ để về sắp xếp công việc gia đình chứ không được ở nhà đón Tết, tôi 29 năm thì phải đến hai chục năm đón giao thừa ngoài đường”, chị Hiếu chia sẻ.
Cùng tổ với chị Hiếu, chị Ngô Hoàng Lan vào nghề đã 5 năm cũng chưa lần nào được đón giao thừa ở nhà, vì “càng Tết càng nhiều việc”.
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của công nhân vệ sinh môi trường tương đối vất vả, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cũng như tai nạn giao thông, thế nhưng, chị Hiếu hay chị Lan đều man mác buồn vì nghề của mình chưa được xã hội coi trọng.
“Chỉ cần chúng tôi sơ xuất một chút là có thể bị tai nạn nghề nghiệp, an toàn giao thông thì khi mình đang làm không chú ý quan sát là cũng có thể gặp nguy hiểm. Công việc vất vả, rác nhiều, lương thấp nhưng cũng chưa được xã hội coi trọng lắm.
Họ đóng tiền phí hàng tháng xong là coi như mình có quyền, rác toàn để dưới đường dù có thùng rác đặt sẵn”, chị Lan nói.
“Người dân bỏ rác vào thùng là chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”
Dù lương thấp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, người phụ nữ tuổi ngũ tuần ấy vẫn miệt mài ngày đêm gắn bó với nghề. Năm nay, chồng chị mới qua đời do căn bệnh “nhà giàu” – ung thư vòm họng, tiền thuốc thang chạy chữa đến giờ vẫn đang nợ một khoản lớn. Ngoài ra, chị Thanh Hiếu còn có một cô con gái đang học trường cao đẳng liên quan đến y dược.
Đó mới chỉ là một trong số rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của các anh chị em gắn bó với lĩnh vực môi trường. Nhưng đại đa số mọi người đều yêu nghề, chịu khó, “làm lâu rồi nên cũng quen, ngày nào không đi làm lại thấy nhớ”.
Năm mới đang đến thật gần, nhưng chị Thanh Hiếu, chị Lan và nhiều anh chị em công nhân vệ sinh môi trường khác đều sợ Tết. Vì ngày ấy, họ phải làm tăng ca, rác nhiều hơn ngày thường, họ tủi thân vì không được quây quần bên gia đình những ngày đầu năm mới. Thêm vào đó là quá nhiều khoản phát sinh trong khi đồng lương có hạn.
“Chúng tôi chỉ mong ý thức cộng đồng, người dân nâng cao lên, bỏ rác vào thùng để công nhân đỡ vất vả hơn, mong được xã hội nhìn nhận, các cấp, các ngành quan tâm lương thưởng để chị em nâng cao đời sống, càng ngày càng gắn bó với nghề hơn”, chị Thanh Hiếu chia sẻ.