1.000 người chung sức cứu đàn cá voi mắc cạn trên bờ biển New Zealand

Khoảng 1.000 người đã đổ về một bãi biển của New Zealand sáng nay, 4-1 để tìm cách cứu một đàn cá voi hoa tiêu vây ngắn bị mắc cạn từ đêm qua. Để công việc này diễn ra nhanh chóng, các nhân viên cứu hộ đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

1.000 người đã tới bãi biển để hỗ trợ các nỗ lực giải cứu. (Ảnh: New Zealand Herald)

Trong đàn cá voi hoa tiêu vây ngắn mắc cạn trên bãi biển Matarangi Spit thuộc Bán đảo Coromandel trên đảo North Island, có bốn cá thể đã chết, bảy cá thể còn sống đã được giải cứu vào đầu giờ chiều cùng ngày, khi thủy triều dâng.

“Có tới 1.000 người tới cứu sống bảy cá thể cá voi mắc kẹt tại Matarangi Spit”, dự án từ thiện Jonah cho biết trong một thông cáo. Cuộc giải cứu đàn cá voi đã được phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook.

Nhiều người dân địa phương và du khách đã vội vã tới nơi cá voi bị mắc cạn, mang theo chăn và xô đựng nước. Mọi người cùng đào nhiều đường dẫn trên cát để chuẩn bị cho việc cứu sống cá voi. Nhân viên của cơ quan bảo tồn đã hướng dẫn mọi người cứu sống đàn cá bằng cách đắp chăn và dội nước biển lên cơ thể chúng.

Ông Daren Grover, Giám đốc dự án từ thiện Jonah chia sẻ: “Điều chúng tôi quan tâm là bảo đảm rằng mọi người đều thao tác đúng để cứu những cá thể còn sống, chúng tôi tin rằng ít nhất sẽ có vài con cá voi vẫn còn sống. Một số bác sĩ tình nguyện đã tới khu vực cá voi bị mắc cạn để giúp đỡ chúng tôi”.

Vào khoảng 1 giờ chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã dùng thuyền đưa bảy cá thể cá voi ra khỏi cảng Matarangi. Khi trở về đại dương, những con cá voi may mắn bơi rất nhanh nhẹn và linh hoạt.

Cá voi hoa tiêu vây ngắn cùng họ với cá voi hoa tiêu vây dài vốn thường bị mắc cạn hàng đàn ở vùng biển New Zealand.

Hai năm trước, hơn 330 con cá voi hoa tiêu đã chết trong hai lần mắc cạn ở bãi biển Farewell Spit trên đảo South Island. Số lượng cá voi hoa tiêu sinh sống ở Đại Tây Dương khá lớn, với khoảng 500 nghìn – 800 nghìn con. Thức ăn của chúng chủ yếu là mực. Cá voi hoa tiêu dễ bị mắc cạn trên bờ nếu chúng theo con mồi vào vùng nước nông ven bờ. Tuy nhiên, điều khiến giới khoa học khó hiểu là tại sao cả đàn cá voi với số lượng lên tới hàng chục con lại bị mắc cạn cùng lúc.

Một số giả thuyết đã được đưa ra đề cập tới tác động của từ trường, trong khi có ý kiến nói rằng đàn cá voi hoa tiêu luôn đi theo con đầu đàn, ngay cả khi “thủ lĩnh” duy nhất này vô tình dẫn chúng tới tình thế nguy hiểm có thể mất mạng.

Cá thể cá voi đã chết. (Ảnh: New Zealand Herald)
Người dân địa phương và du khách tham gia nỗ lực giải cứu đàn cá voi. (Ảnh: New Zealand Herald)
Nỗ lực giải cứu diễn ra nhanh chóng. (Ảnh: New Zealand Herald)

H.H (Theo New Zealand Herald, Channel NewsAsia)

Nguồn: