Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Nhưng theo một số tổ chức phi chính phủ, việc dừng triển khai xây dựng các nhà máy điện than mới là cần thiết.
Những tranh cãi
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 27/12, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc phát triển các dự án nguồn điện. Theo ông Ngãi, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Tuy nhiên việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể về cung cấp than, ông Ngãi cho biết dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn; năm 2025 khoảng 70 triệu tấn, tới năm 2030, khoảng 100 triệu tấn.Trong khi khả năng cung cấp than trong nước chỉ đáp ứng được 30-35 triệu tấn. Đáng lưu ý theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, hầu hết các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đều bị chậm tiến độ từ 2-4 năm. Trong các năm tới nếu không điều hành quyết liệt sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng.
Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Theo lý giải của ông Ngãi, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn do đó các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn, cần được khuyến khích làm nguồn điện chủ lực.
Bên cạnh đó, do tình hình cấp bách các dự án nguồn điện phía Nam bị chậm tiến độ, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng kiến nghị Thủ tướng trực tiếp nghe chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khí; các tổng thầu, các tập đoàn, các địa phương xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn để có chỉ đạo cụ thể.
Dừng xây dựng mới vì sức khoẻ người dân
Ngày 30/12, các liên minh của tổ chức xã hội- nghề nghiệp gồm Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Nhóm Công lý, môi trường và sức khoẻ; Liên minh truyền thông và quyền của những người dễ bị tổn thương, Mạng lưới sông ngòi, Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam đã ra “Tuyên bố Hà Nội về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”.
Tuyên bố đồng tình cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới, dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”. Các liên minh đã nhấn mạnh về nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người, đe doạ sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh tại Việt Nam. Cần tập trung các nguồn năng lượng mới có thể thay thế bảo đảm cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Chính phủ nên tính toán giá minh bạch và đầy đủ của nhiệt điện than từ đó mới có thể so sánh với các dạng năng lượng khác để lựa chọn đúng với mục tiêu phát triển bền vững 3 trụ cột: Kinh tế, môi trường và xã hội. Dứt khoát không đánh đổi kinh tế với môi trường, đảm bảo môi trường trong sạch cho mọi người dân chúng ta, sống không bệnh tật, sống khỏe để xây dựng đất nước Việt Nam.
Nhóm liên minh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than trong danh sách kèm theo để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này; Chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; Bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch.