Nhiều công trình Thủy điện ở Hà Giang: Vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động

Hàng chục công trình thủy điện ở Hà Giang, dù đã hòa lưới điện quốc gia nhiều năm, nhưng vẫn thiếu hàng loạt giấy tờ pháp lý, cũng như mắc vào các vi phạm trong hoạt động điện lực.

Nhà máy thủy điện Nho Quế 3 dù đã vận hành từ năm 2012 với công suất 110MW (nhà máy có công suất lớn nhất tỉnh Hà Giang), nhưng vẫn chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Ảnh: Tâm Am

Vi phạm diện rộn

Những ngày đầu tháng 12.2019, phóng viên đã đi thực địa hàng chục nhà máy thủy điện trên các lưu vực sông Nho Quế, Sông Chảy, Sông Lô, Sông Miện, Sông Bạc… – những con sông có độ dốc lớn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Giang.

Tỉnh Hà Giang có 71 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.000 MW. Đến nay, các dự án thủy điện được đầu tư đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách cho Hà Giang.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy chưa có giấy phép khai thác nước mặt; không duy trì dòng chảy tối thiểu; không cắm mốc giới; chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chưa lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát khai thác tài nguyên nước; chưa quan trắc công trình đập, hồ chứa…

Nhà máy thủy điện Sông Bạc, nhiều thời điểm không duy trì dòng chảy tối thiểu khiến hạ lưu nhà máy sông bị cạn nước nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Yên

Theo báo cáo số 522/BC-UBND về tình hình thực​​ hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, vừa được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký ban hành ngày 3.12.2019 thì có cả hệ thống các loại sai phạm diễn ra trên diện rộng.

Cụ thể, hàng loạt các thủy điện chưa có giấy phép khai thác nước mặt, gồm: Nậm Mạ 1, Sông Chảy 5, Thanh Thủy 1, Thanh Thủy 2, Suối Sửu 1. Hàng loạt các thủy điện dự án chưa duy trì dòng chảy tối thiểu thường xuyên, như Nho Quế 3, Sông Bạc.

Các dự án chưa được phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, gồm Nho Quế 3, Nho Quế 2, Nho Quế 1, Thái An, Sông Miện. Các dự án thủy điện chưa tổ chức tập huấn, huấn luyện phổ biến kiến thức về tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, gồm Thái An, Sông Chừng, Sông Miện 5.

Chưa bàn giao mốc chỉ giới vùng phụ cận cho địa phương, chưa cắm mốc giới vùng lòng hồ như Bắc Mê, Sông Lô 4. Chưa thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn đầy đủ như Sông Bạc, Bắc Mê. Chưa thực hiện kiểm tra đánh giá thiết bị an toàn đập như Nho Quế 1. Chưa thực hiện quan trắc công trình đập, hồ chứa nước, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định như Sông Chừng…

Các doanh nghiệp thừa nhận sai phạm, xử lý thế nào?

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lục Quang Hùng, Người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Thủy điện Thanh Thủy, Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thanh Thủy 1 và Thanh Thủy 2 cho biết chúng tôi phát điện vào năm 2011. Trong khi Nghị định về vấn đề khai thác nước mặt ra đời sau thời điểm đó. Chúng tôi đã hoàn thiện bổ sung hồ sơ về việc này. Hiện giờ hồ sơ đang ở Bộ Tài nguyên- Môi trường rồi”.

Cũng là một đơn vị bị chỉ ra hàng loạt vi phạm, ông Lê Hồng Ngọc, Quản lý nhà máy thủy điện Sông Lô 4 thừa nhận: vì chúng tôi thay đổi thiết kế cơ sở nên chưa hoàn thiện được yêu cầu cắm mốc giới lòng hồ thủy điện. Nói đúng ra là đã tiến hành cắm mốc rồi nhưng chưa được phê duyệt. Đây là lỗi của doanh nghiệp.


Hồ thủy điện Sông Chừng dù phát điện từ tháng 3.2011 nhưng đến nay việc thực hiện quan trắc công trình đập, hồ chứa nước, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định. Ảnh: Bảo Yên

Để tìm hiểu rõ thông tin, giữa tháng 12.2019, phóng viên đã đến Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đặt lịch làm việc, trực tiếp Chánh Văn phòng Sở, ghi nội dung trao đổi, sau đó nhóm phóng viên được dẫn lên gặp đồng chí Phó trưởng phòng quản lý năng lượng của Sở này. Đại diện Phòng này hứa sẽ phản hồi đầy đủ các câu hỏi của chúng tôi, “không trốn tránh”.

Tuy nhiên, vài chục ngày trôi qua, các cơ quan chức năng ở Hà Giang chưa có câu trả lời. Tương tự, các cuộc liên lạc của phóng viên, đề nghị làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đều rơi vào im lặng.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng: Các dự án thủy điện đang sản xuất điện kia, nếu không có phép khai thác nước mặt thì đương nhiên phải đề nghị tỉnh, Sở kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật thôi. Nếu doanh nghiệp đã gửi hồ sơ, chờ xử lý thì hồ sơ phải đủ điều kiện pháp lý, chứ không phải cứ gửi lên là Cục phải cấp.

Việc nhiều dự án thủy điện đã đi vào phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt là hành vi khai thác tài nguyên nước trái phép.

Bởi, thực tế này có thể dẫn đến việc gian lận trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước để tránh nghĩa vụ thuế, phí tài nguyên… Giấy phép khai thác nước mặt sẽ quy định rõ phải duy trì dòng chảy tối thiểu phía sau thân đập.

Việc không có giấy phép, không chấp hành các quy định của pháp luật đã dẫn đến hiện tượng những dòng sông, suối chết thảm sau chân đập. Người dân thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, môi trường sinh thái bị hủy hoại trầm trọng.