Trước tình tràn buôn bán, tàn sát động vật “sách đỏ” ở các khu chợ miền Tây, nhất là chợ nông sản Thạnh Hóa, phóng viên đã liên hệ cung cấp thông tin, nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn “bình chân như vại.”
Xót xa trước những hình ảnh “ngục tù,” tàn sát các loài động vật “sách đỏ” rùng rợn ở “địa ngục chợ” Thạnh Hóa – Long An cũng như một số khu chợ ở vùng đồng bằng sông nước miền Tây, trong quá trình điều tra, phóng viên Báo VietnamPlus đã chủ động cung cấp thông tin cho lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cùng lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đồng Tháp, Long An.
Vậy nhưng, sự vào cuộc cũng như thông tin phản hồi của các cơ quan quản lý làm chúng tôi thất vọng khi cán bộ kiểm lâm cơ sở chỉ “né” việc kiểm tra với những lý do như “anh em về nấu cơm ăn ở trụ sở hết rồi,” hay cán bộ đi kiểm tra thần tốc trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ 3-5 phút…
Kiểm tra… thần tốc?
Tại tỉnh Đồng Tháp, ngay sau khi khảo sát các khu chợ và phát hiện có tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã quý, hiếm như rùa ba gờ, rùa răng cùng nhiều loài rắn, chim, người viết đã liên hệ và chuyển hình ảnh ghi nhận được đến Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh. Một lúc sau, vị Chi cục trưởng phản hồi: “Sáng mai sẽ cho anh em kiểm tra các địa điểm mà phóng viên thông tin.”
Như lời hẹn, sáng hôm sau, người viết nhận được thông tin từ vị Chi cục trưởng kiểm lâm, nhưng kết quả lại chẳng phát hiện gì: “Một số điểm mà phóng viên chia sẻ anh em kiểm lâm đi kiểm tra nhưng không thấy gì. Kiểm lâm tỉnh đã lên kế hoạch kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh, khi có kết quả sẽ thông tin lại cho anh em.”
Trong khi đó, tại tỉnh Long An, sau hai ngày thâm nhập vào chợ “địa ngục” giam cầm, tàn sát các loài động vật “sách đỏ,” phóng viên đã liên hệ trao đổi qua điện thoại với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Tuy nhiên, thông tin người viết nhận được là: “Các anh liên hệ với Hạt kiểm lâm sở tại.”
Tiếp tục liên hệ với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa qua điện thoại theo gợi ý của người đứng đầu Chi cục Kiểm lân tỉnh Long An, nhưng sau nhiều lần gọi điện vẫn không ai nghe máy. Khó hiểu trước sự “im lặng,” thiếu hợp tác của cơ quan kiểm lâm các cấp tỉnh Long An, phóng viên VietnamPlus chuyển hướng liên hệ trao đổi thông tin với ông Đỗ Quang Tùng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm.
Khoảng hơn 30 phút sau khi kết thúc cuộc trao đổi, người viết quan sát thấy các chủ cửa hàng bán động vật sách đỏ nhanh chóng xách những lồng đựng rùa, rắn, chim quý hiếm vào cất kín vào bên trong. Một lúc sau, hai cán bộ kiểm lâm ngồi xe máy đi một vòng quanh khu chợ, chỉ trỏ và nói gì đó với những người bán hàng rồi phóng xe đi về mà không hề có bất cứ hành động kiểm tra nào khác.
Quá trình kiểm tra của 2 cán bộ kiểm lâm huyện Thạnh Hóa chỉ diễn ra vỏn vẹn trong khoảng thời gian ngắn ngủi, từ 3-5 phút. Bất ngờ trước việc kiểm tra “thần tốc” của cán bộ kiểm lâm, người viết tiếp tục liên hệ lại với ông Lê Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An, nhưng vị này vẫn khẳng định: “Đã cho anh em kiểm tra nhưng không thấy gì cả. Cái này chúng tôi vẫn kiểm tra thường xuyên, định kỳ mỗi tuần đi kiểm tra 1 lần.” Dù rằng, ngay lúc ấy, những người bán hàng đã lại mang chim, rùa, rắn ra bày bán.
Khi được hỏi về việc tại sao “kiểm tra không thấy gì” nhưng thực tế động vật hoang dã vẫn được bày bán tràn lan ngay trước và sau khi cán bộ kiểm lâm xuất hiện, lúc này ông Lợi phân bua: “Cái này tồn tại từ lâu rồi, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo kiểm tra, thành lập đoàn liên ngành, các lực lượng đã làm hết rồi. Còn khi không có lực lượng, anh em rút lui, bà con lấy ra thì chúng tôi chịu.”
Lý giải thêm về việc kiểm tra “thần tốc” và kết quả kiểm tra không đúng thực tế trên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thạnh Hóa Nguyễn Văn Sung giải thích: “Do anh em quen mặt nên họ biết, đến là họ cất hết. Nếu mặc thường phục đến kiểm tra thì sợ họ đánh. Tôi sẽ cho anh em đến phối hợp với các anh đi kiểm tra lần nữa.”
Tuy nhiên, 30 phút sau vẫn không thấy bóng bất cứ cán bộ kiểm lâm nào xuất hiện. Để rõ câu trả lời, người viết tiếp tục gọi điện trao đổi lại thì vị Hạt trưởng thông tin “anh em về nấu cơm ăn ở trụ sở hết rồi,” dù khi trao đổi mới có hơn 11 giờ trưa…
Mỏi mòn đợi liên ngành
Ở cấp cao hơn, ngay sau khi người viết gửi hình ảnh theo yêu cầu của ông Đỗ Quang Tùng, Cục trưởng Kiểm lâm, ông Tùng cho biết sẽ cử đội đặc nhiệm vào kiểm tra. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên chiều 28/10, ông Đồng Xuân Hùng, Đội phó Đội kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm cho biết “bây giờ anh em đang đi công tác hết” và cam kết “trong một vài tới sẽ cho anh em vào kiểm tra ngay.”
“Bây giờ vào cũng không thể độc lập kiểm tra được, kiểu gì cũng phải phối hợp vì ở chợ có nhiều gian hàng nên kiểm tra rất khó khăn. Kiểm tra ở chợ không phải như kiểm tra trong nhà, nên vào cuộc kiểm tra sẽ lộ ngay,” ông Hùng chia sẻ thêm.
Đến ngày 1/11, ông Hùng thông tin “trong những ngày qua vẫn chưa thể kiểm tra được. Tuy nhiên, tinh thần vẫn phải kiểm tra. Hiện tôi đã xin ý kiến lãnh đạo có kế hoạch phối hợp kiểm tra cho hiệu quả hơn, cũng là để nắm thông tin rõ hơn.”
Vậy nhưng, sau 1 tháng rưỡi chờ kết quả kiểm tra từ phía Cục Kiểm lâm, đến nay, thông tin mà người viết nhận được vẫn chỉ là “anh em đang nắm tình hình.”
Lý giải cho việc vào cuộc chậm trễ trên, ông Hùng cho rằng việc kiểm tra các khu vực chợ rất phức tạp. “Nếu vào kiểm tra ngay sẽ không đảm bảo, không nắm vấn đề, không có trọng tâm, trọng điểm sẽ không đánh trúng vào những đối tượng cộm cán,” ông Hùng giãi bày và cho biết “vừa rồi cũng đã có 2 văn bản đề nghị các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xóa bỏ các điểm quảng cáo, kinh doanh trái phép.
Vậy là trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng “thực sự vào cuộc kiểm tra,” lực lượng kiểm lâm cấp cơ sở thì “không phát hiện gì” nên ngày này qua ngày khác, hàng ngàn cá thể rùa, rắn và các loài chim đủ chủng loại vẫn cứ bị bẫy bắt, giết hại.
Và, một điều hiển nhiên rằng ngày nào các gian hàng bày bán các loài động vật hoang dã trên còn hoạt động mà không bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý hay dẹp bỏ thì mỗi ngày trôi qua sẽ có một lượng không nhỏ cá thể động vật hoang dã quý hiếm bị “ngục tù” và “giết thịt,” cũng như biến mất khỏi môi trường tự nhiên.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, ngày 17/12, ông Đỗ Quang Tùng cho rằng: “Quản lý chợ là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, để xảy ra tình trạng buôn bán, giết hại động vật hoang dã vi phạm pháp luật, thì họ phải có trách nhiệm báo cáo, yêu cầu lực lượng như năng như công an, kiểm lâm đi ‘dẹp.’ Còn bây giờ địa phương họ không làm thì chúng tôi cũng chịu.”
Theo ông Tùng, trách nhiệm của Cục là quản lý chung về lâm sản, việc triển khai ở các địa phương là Chi cục kiểm lâm cũng như các cơ quan chức năng, chứ không riêng gì kiểm lâm. Bởi vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật, phải có các cơ quan chức năng và đặc biệt là chính quyền địa phương vào cuộc. Còn mình kiểm lâm thì một là cũng không thể vào, hay phát hiện, nắm bắt được hết.
“Về trách nhiệm xử lý cũng vậy, không phải lúc nào kiểm lâm cũng xử lý được,” ông Tùng cho rằng cần phải có nguồn tin từ phản ánh của người dân, của báo chí. Khi Cục nắm bắt được sẽ có những chỉ đạo trước mắt cho kiểm lâm vùng cũng như Chi cục kiểm lâm tổ chức kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về việc quản lý các loài động vật hoang dã.
“Nếu Chi cục kiểm lâm địa phương không xử lý, Cục buộc phải có những văn bản, chỉ đạo cho Chi cục, hoặc tham mưu cho Bộ, cho Tổng cục đề nghị phía địa phương phải chỉ đạo các cơ quan chức năng của họ triển khai thực hiện. Kể cả Chi cục kiểm lâm cũng là đơn vị trực thuộc của tỉnh,” ông Tùng chia sẻ thêm.
Về việc đội kiểm lâm đặc nhiệm của Cục “hứa” đi kiểm tra sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, nhưng đến nay đã hơn 1 tháng rưỡi vẫn chưa có kết quả, ông Tùng cho rằng “bước đầu tiên khi đội kiểm lâm đặc nhiệm tiếp nhận thông tin là họ cử kiểm lâm vùng đi nắm tình hình cụ thể và yêu cầu địa phương xử lý. Nếu Chi cục kiểm lâm địa phương không xử lý được, họ có thể đề nghị Cục hỗ trợ, phối hợp.
“Nhưng kể cả Cục thì lực lượng cũng rất ít, như quân số Đội kiểm lâm đặc nhiệm chỉ có 4 người. Như thế, nếu bảo trách nhiệm là của kiểm lâm không cũng không đúng. Vì quản lý chợ còn nhiều cơ quan khác nhau, chứ mình kiểm lâm thì không thể quản lý nổi,” ông Tùng nêu quan điểm và cho rằng để giải quyết dứt điểm thực trạng trên, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương./.
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, trong số hàng trăm loài động vật “sách đỏ” được bày bán phổ biến trên cả nước hiện nay, thì rùa ba gờ, rùa răng… là những loài vật hoang dã được nhiều khách du lịch quan tâm, hỏi mua nhiều nhất.
Nếu như ở “vựa” động vật Đồng bằng sông Cửu Long, rùa được người dân tuồn bán để nuôi làm cảnh hay làm mồi nhậu, thì ở miền Bắc, rùa “sách đỏ” đã trở thành mặt hàng cho những người chuyên “thu gom hài cốt động vật” mua về nấu cao – câu chuyện tưởng như không có thật, nhưng đã trở nên rầm rộ và đã hình thành đường dây có tổ chức, khiến loài vật này đang đứng đầu về nguy cơ tuyệt chủng.
Bài 2: Mục sở thị chợ “địa ngục’” sát hại động vật “Sách Đỏ”