Tại tỉnh Long An, có một khu chợ tàn sát động vật hoang dã được xem là “địa ngục chợ” chứa hàng nghìn cá thể động vật hoang dã nhưng đến nay vẫn tồn tại…
Trong hành trình thâm nhập những khu chợ buôn bán các loài động vật hoang dã quý, hiếm ở miền Tây, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã liên tiếp chứng kiến cảnh vô số loài động vật đặc hữu của vùng sông nước bị giam cầm, vặt lông, làm thịt không thương tiếc. Nhưng, có một khu chợ còn rùng rợn hơn rất nhiều, đó là chợ nông sản Thạnh Hóa (tỉnh Long An) – nơi được xem là “địa ngục chợ” chứa hàng nghìn cá thể động vật “sách đỏ” ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại đây, có khoảng 40 gian hàng với hàng trăm lồng sắt giam các loài chim, cò ốc, rùa, rắn. Đây cũng là nơi chúng bị thiêu sống để phục vụ giới “thượng đế” ăn nhậu.
Khi cò ốc trở về… chợ “địa ngục”
Có mặt tại khu vực Chợ nông sản Thạnh Hóa vào những ngày cuối mùa nước nổi, hình ảnh quen thuộc đập vào mắt người viết là những gian hàng “ngục tù” hàng ngàn cá thể động vật hoang dã thuộc nhiều loại rùa, rắn, chim, cò khác nhau, nhưng đáng chú ý nhất là loài cò ốc – nhân vật chính trong bộ phim “Khi cò ốc trở về” vừa được trao giải nhất Liên hoan phim về môi trường toàn quốc đầu 2018.
Câu chuyện “Khi cò ốc trở về” đã giúp nông dân diệt ốc bươu phá hoạt mùa màng, với những đàn cò ốc bay thẳng cánh trên những cánh đồng lúa xanh mướt. Đó cũng là hình ảnh mà từ lâu người nông dân Việt Nam không còn nhìn thấy.
Vậy mà giờ đây, trước mắt người viết là hàng trăm cá thể cò ốc bị nhốt trong hàng chục lồng sắt, bị băng dính cuốn quanh thân, bị bẻ cánh nằm lăn lóc trong các cửa hàng, thậm chí bị vặt lông, bị khò thiêu khi còn đang sống để bán cho thực khách.
Chưa hết, tại khu chợ “có một không hai” ở vùng sông nước miền Tây này, những chú chim cắt, gà nước, đại bàng non còn đỏ hỏn, thân hình lúc nào cũng run bần bật trong sợ hãi vì bị con người bắt khi chúng đang được bố mẹ chăm sóc để đem ra giữa khu chợ đông đúc giam cầm, vặt lông, thiêu sống…, làm mồi cho thực khách.
Cạnh đó, những chùm chim cút bị buộc chân vào nhau, bị vặt lông cố dãy dụa trên bàn tay “tàn nhẫn” của con người, kêu lên thảm thiết. Rồi những chú cò dãy đành đạch khi bị sức nóng của ngọn lửa từ chiếc bình ga mini phun vào người… Tất cả những hình ảnh đó đều gây ám ảnh đến không ít người đã tận mắt chứng kiến.
Cùng với chim, rắn cũng nhiều vô kể. Trong hai ngày có mặt tại khu vực chợ “địa ngục” này, người viết đã tận mắt chứng kiến từng chiếc ôtô tải kéo đến với những thùng xe bịt kín chở đầy rắn đổ vào từng lồng sắt, bao lưới của các khu gian hàng.
Tất cả các loài rắn, từ rắn nước thông thường đến rắn hổ mang chúa nặng vài kg tuồn về khu chợ đều được bày bán công khai như chốn không người, bất chấp luật pháp cấm, bị xử lý hình sự, phạt tù khi bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Một loài động vật hoang dã quý hiếm khác cũng được bày bán phổ biến, bất chấp lệnh cấm ở trong khu “địa ngục chợ” Thạnh Hóa là rùa. Ghi nhận của người viết cho thấy có tới hơn 10 gian hàng bày bán các loại rùa như rùa ba gờ, rùa răng, rùa hộp lưng đen, rùa núi vàng,… với số lượng khoảng trên dưới 200 cá thể.
Các loài rùa được nhốt chồng lên nhau trong các lồng sắt, trong chậu, hay đậy kín trong những chiếc lu đựng nước. Những cá thể rùa lớn thì bị buộc dây vào mai, “trói” vào cột sắt. Thi thoảng, khách lạ vào hỏi mua, bồng lên chụp ảnh khiến những cá thể rùa co cúm lại, chẳng khác gì tảng đá với vô số vết xước trên mai.
Ngoài ra, tại chợ chim này còn có kỳ đà, chồn và các loại chim quý như đại bàng, giang sen… với số lượng lớn.
Đặc hữu hay “sách đỏ” đều lên… bàn nhậu
Chỉ ít ngày có mặt tại chợ “địa ngục” buôn bán các loài động vật hoang dã ở huyện Thạnh Hóa, người viết đã chứng kiến hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc mua bán, có những lô hàng lên đến trăm cá thể chim để tỏa đi khắp nơi, nhất là các nhà hàng trên khắp cả nước, có cả người nước ngoài cũng tìm tới mua hàng.
Theo quan sát của người viết, nhiều khách đến khu chợ này là khách du lịch đi qua đường. Nhiều người cho biết họ vào chợ vì nghe tin ở đây muông thú bị giam cầm, tàn sát vô cùng man rợ, cũng là nơi buôn bán nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, nhiều vị khách cũng chia sẻ vào chợ tìm mua chim, cò, rắn để ăn nhậu.
“Mấy anh em mình lần đầu vào Long An, nãy đi qua đây thấy người ta bán nhiều chim, rắn quá nên vào xem mua ít rồi mang vào nhà hàng nhờ người ta chế biến mấy món uống bia. Ở đây nghe bảo chim, rắn bắt ngoài tự nhiên nên thử cái cho biết, mấy khi được ăn,” anh N, một vị khách đến từ Nghệ An chia sẻ.
“Có cung ắt có cầu” đó cũng là quan điểm mà anh N và nhóm bạn chia sẻ khi nói về hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại khu chợ này. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh người phụ nữ bán hàng đưa tay xốc chú chim giang sen đang run rẩy trong lồng sắt rồi đập mạnh vào cây cột sắt treo đầy lồng chim, cú va đập khiến đầu chim vỡ nát, tóe máu, bản thân những vị khách lạ cũng không khỏi rùng mình.
Còn về phía người bán, mặc cho chim quý giãy giụa, người phụ nữ bán hàng vẫn thản nhiên khoe thân xác chim, cò rồi cầm bình ga mini lên khò. Chỉ chưa đầy một phút sau, con chim với bộ lông xám trắng đã bị thiêu trụi, da vàng ruộm rồi bán cho thượng khách.
Bà chủ cửa hàng vừa ngơi tay, một nhóm khách khác đã chỉ vào chùm cò ốc đang treo ngược. Như “cỗ máy,” bà chủ vặt lông thoăn thoắt, mỗi lần vặt, những chú cò lại co giật, kêu chí chóe, máu tứa ra qua lớp da, cái đầu nghển lên như cố giãy giụa để tẩu thoát. “Vặt lông sống thế này thịt chim mới ngọt,” bà chủ đon đả.
Sau chừng vài phút bị vặt lông, khi những chú cò còn lẩy bẩy chưa kịp hoàn hồn thì bà chủ quán đã thản nhiên châm lửa khò cả chùm. Toàn thân cò gần như co cứng lại bởi ngọn lửa xanh lè nhưng vẫn cố cất tiếng kêu vô vọng trước sự vui vẻ của những vị thượng khách đang nghĩ tới món ăn trên bàn nhậu.
Ngay gian hàng bên cạnh, một người phụ nữ khác cũng đang bắt hàng chục cá thể rắn để đưa lên bàn cân bán cho một nhóm khách khoảng 3-4 người. Rất thành thạo, người bán hàng lập tức ném chùm rắn vào chiếc thùng nhựa rồi đổ ồng ộc cả phích nước sôi lên người, khiến rắn chỉ còn biết giãy giụa, vùng vẫy đến chết cứng…
Chứng kiến guồng quay làm việc của những người sát hại các loài “sách đỏ,” người viết không khỏi ám ảnh, sởn da gà. Khi được hỏi về nguồn gốc, người bán hàng khẳng định tất cả cò ốc, giang sen, gà nước, đại bàng con… đều được săn bắt tự nhiên và được bán với giá khoảng 250.000-400.000 đồng/kg đã làm sạch.
Những loài này đều bắt từ Vườn quốc gia Tràm Chim, không nuôi công nghiệp nên nhậu mới ngon,” bà H, chủ một gian hàng tại chợ Thạnh Hóa giới thiệu và cho rằng “ở đây, đặc hữu hay sách đỏ đều lên bàn nhậu.”
Đi thêm một đoạn, người viết ghé vào gian hàng chuyên về rùa. Trong số đó, có cá thể rùa rất lớn được chủ gian hàng đưa lên bàn cân với chỉ số nặng hơn 15kg. “Con này được người dân bắt về từ Camphuchia, đủ cho 20 người ăn. Nếu ăn luôn, em đưa vào sau làm thịt cho,” người phụ nữ bán hàng giới thiệu.
Được biết, chợ chim Thạnh Hóa đã có thâm niên hàng chục năm, trước đây chỉ là khu chợ nông sản nhỏ ở ven quốc lộ. Đối tượng phục vụ chủ yếu là cánh tài xế đường dài hay khách du lịch, nhưng gần đây biến tướng thành chợ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm lớn./.
Xót xa trước những hình ảnh “ngục tù,” tàn sát các loài động vật “sách đỏ” rùng rợn ở “địa ngục chợ” Thạnh Hóa – Long An cũng như một số khu chợ ở vùng đồng bằng sông nước miền Tây, trong quá trình điều tra, phóng viên Báo VietnamPlus đã chủ động cung cấp thông tin cho lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cùng lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đồng Tháp, Long An. Vậy nhưng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý đã… không như kỳ vọng!
Thâm nhập “thế giới ngục tù” tàn sát động vật trong “Sách đỏ” Việt Nam