Người Trung Quốc dị tật, uống nước nhiễm chì – bi kịch sau chiếc điện thoại rẻ

Trẻ nhiễm chì, nông dân dị tật, cây không còn ra hạt – ngành luyện kim Trung Quốc là nguồn cung cho toàn cầu đã để lại hậu quả kinh hoàng nhưng chính quyền đành bất lực.

Ngày lẫn đêm, xe tải chở quặng kim loại từ mỏ ở thung lũng đi lên núi, về phía các lò luyện kim – chính là thủ phạm khiến mức asen trong bụi ở vùng Dachang vượt trên 100 lần so với giới hạn của chính phủ.

Thung lũng đó là nơi 13 công nhân đã chết vào tháng 10, trong những hầm mỏ chứa đầy thiếc, đồng và kẽm.

Khắp miền nam Trung Quốc, cách xa vùng ven biển giàu có và Bắc Kinh, ngành công nghiệp luyện kim khổng lồ, cho ra lò 57 triệu tấn kim loại màu vào năm ngoái, là huyết mạch cho sự trỗi dậy của ngành chế tạo Trung Quốc và đáp ứng nhu cầu linh kiện điện tử toàn cầu, dùng cho mọi thiết bị từ pin điện thoại đến động cơ đến khung máy bay.

Tuy nhiên, các cộng đồng xa xôi, nghèo khổ nhất ở Trung Quốc đã phải trả cái giá quá đắt.

Hiện trường vụ sập hầm mỏ ngày 29/10 ở Dachang thuộc tỉnh Quảng Tây khiến 13 thợ mỏ thiệt mạng. (Ảnh: China Daily).

Luyện kim và sự thiếu minh bạch chết người

Tỉnh Quảng Tây miền nam Trung Quốc có những mỏ kim loại giàu trữ lượng nhất. Nhưng ở đây cũng có những đồng ruộng rộng lớn giờ không có sự sống vì nước thải chứa chì và cadimi. Các hầm mỏ kim loại đã vượt trên mỏ than về con số các công nhân tai nạn lao động.

Dân làng vén tay áo cho thấy những dị tật đến từ việc ăn thức ăn bị nhiễm kim loại màu. Họ phải đi lấy nước sạch được chuyển đến hàng ngày.

Sau 8 năm bưng bít với lý do bí mật quốc gia, chính phủ Trung Quốc năm 2014 buộc phải thừa nhận rằng 20% đất nông nghiệp trên cả nước bị ô nhiễm và 1/3 nước bề mặt không an toàn để con người tiếp xúc.

Tháng trước, giới chức tuyên bố dành ra 4 tỷ USD để tẩy độc đất ô nhiễm, nhưng con số đó không thấm vào đâu so với 1.000 tỷ USD mà một số chuyên gia Trung Quốc ước tính sẽ cần.

Dù chính quyền đã thắt chặt dần quy định quản lý ngành luyện kim, như thông qua luật ô nhiễm đất năm ngoái, các chuyên gia cho rằng những số tiền khổng lồ nói trên mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” kinh hoàng mà Trung Quốc đang đối mặt, theo điều tra của Washington Post.

“Ở cấp địa phương, không có sự minh bạch, không có trách nhiệm giải trình, không có nguồn lực”, Song Guojun, cựu quan chức môi trường đang nghiên cứu tại Đại học Nhân dân, Bắc Kinh, nói với Washington Post.

Vì lẽ đó, các nhà sản xuất kim loại tùy ý vận hành và để lại vô số chất độc, trong quá trình biến quặng kim loại thành chất liệu dùng trong những sản phẩm gắn liền với cuộc sống thường ngày.

Thợ mỏ kiếm lương cao và hiểm nguy chực chờ

Ngày 28/10, đang ở dưới lòng đất, đợi bắt đầu ca làm việc lúc 19h, Meng thấy không khí chấn động mạnh. Nghe thấy lòng đất gầm rú, Meng bỏ chạy trên một chiếc xe đẩy để lên mặt đất.

Truyền thông nhà nước sau đó nói mỏ thiếc Qingda số 2 bị sập, hai công nhân được xác nhận đã chết và 11 người gần như không còn khả năng sống sót trong mỏ, nằm khoảng 15 km phía bắc khu vực Dachang, huyện Nam Đan, địa cấp thị Hà Trì, tỉnh Quảng Tây.

Bản đồ vị trí Dachang (huyện Nam Đan), huyện Đại Tân (Daxin), và huyện Tĩnh Tây (Jingxi), thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp với tỉnh Cao Bằng của Việt Nam. (Nguồn: Washington Post).

Ngày nay, số công nhân mỏ kim loại thiệt mạng là 484 người năm 2017, nhiều hơn mỏ than, khác với 20 năm trước, khi than là nghề nguy hiểm nhất. Bắc Kinh đã cố gắng cải thiện an toàn lao động ngành than, nhưng đã lơ là kiểm soát ngành luyện kim, trong đó 83% là những doanh nghiệp nhỏ, tổ chức lỏng lẻo.

“Tình hình không hề thay đổi… Tai nạn lao động cực kỳ dễ xảy ra”, Washington Post dẫn lời người phát ngôn chính phủ Trung Quốc.

Bi kịch ở mỏ Qingda số 2 là một điển hình.

Hồ sơ một cuộc kiểm tra tháng 8 cho thấy mỏ này không xin phép khi mở rộng, và sơ đồ xây dựng “thiếu trung thực”. Chen Xiangsheng, người chủ của mỏ, bị phạt hai lần vào tháng 6 vì “thiết bị và hạ tầng kém chất lượng” và “sản xuất trái phép”.

Dù vậy, mỏ của ông vẫn hoạt động liên tục, với 800 công nhân địa phương như Meng, 32 tuổi, cha của hai đứa nhỏ.

Dù nguy hiểm, nhưng mỏ Qingda số 2 trả lương 1.140 USD mỗi tháng, so với công việc có quy củ hơn nhưng chỉ trả 300 USD mỗi tháng ở công ty nhà nước Gaofeng, lựa chọn mà Meng cho là khó có thể nuôi sống gia đình.

“Làm cho ông chủ thì chỗ nào có quặng là đi, còn công ty nhà nước thì có thể không khai thác nếu thấy nguy hiểm”, Meng nói với Washington Post, với điều kiện giấu kín họ.

“Nếu bạn muốn kiếm được kha khá ở đây, không có lựa chọn nào khác”, anh nói.

Chính quyền địa phương tạm ngừng khai thác sau vụ sập mỏ ngày 28/10. Nhưng chỉ một tháng sau, thợ mỏ Dachang đã trở lại hầm.

Vụ nổ mỏ Qingda số 2 là ví dụ về hậu quả kinh hoàng nhiều thập kỷ nay của ngành luyện kim Trung Quốc. (Ảnh: News.cn).

Dachang với 30.000 dân vẫn phụ thuộc vào khai mỏ dù ngành công nghiệp này có một quá khứ kinh hoàng.

Năm 2000, bể chứa chất thải bị vỡ, cuốn cả một làng, 28 người thiệt mạng.

Một năm sau, nước lũ làm chết 81 thợ mỏ. Giới chức bưng bít nhưng thông tin bị lộ sau một tuần. Các công tố viên sau đó nói mỏ kim loại đóng góp 1/3 tiền thuế cho địa phương, và người chủ mỏ cũng là người giàu nhất tỉnh Quảng Tây đã chuyển 15% cổ phần công ty cho quan chức địa phương.

Các mỏ phía bắc Dachang liên tục có những vụ nổ và sập hầm, mỗi vụ giết chết 1-2 thợ mỏ, nhưng các vụ việc thường không được báo cáo.

“Những kẻ bạo chúa này thoát được mọi tội”, Pan, người bán hoa quả đã bỏ nghề khai mỏ năm 34 tuổi, nói với Washington Post.

Pan và nhiều cư dân Dachang khác giấu tên đầy đủ vì lo cho an toàn. Một tài xế taxi vừa lái xe vừa run khi đưa phóng viên Washington Post đi quanh căn nhà ba tầng của trùm khai mỏ Chen.

Trẻ nhiễm chì, cây không ra hạt, hồ nước nổi váng

Không chỉ thợ làm việc trong hầm đối diện hiểm nguy.

Phụ phẩm của kim loại nặng như chì, cadimi và asen có nguy cơ bị thải ra môi trường, do quá trình tinh luyện kim loại ở gần 1.000 độ C cần dùng nước, và nước đó phải được xử lý cẩn thận, có sự kiểm soát chặt chẽ.

Nghiên cứu từ tháng 6 của Viện Công nghệ Lao động Quảng Tây và Đại học Nam Ninh, cho thấy bụi trên mặt đường ở Dachang có hàm lượng kim loại nặng vượt chuẩn quốc gia 111 lần với asen, 55 lần với cadimi và 2,45 lần với chì.

Nông dân Wei Chun nói với Washington Post rằng 20 trên 25 trẻ em ở làng Tanghan của ông bị mức chì trong máu vượt chuẩn khi xét nghiệm từ 10 năm trước. Chính quyền huyện chỉ đền bù 30 quả trứng và 1 lít sữa mỗi tháng.

Một lò luyện kim ở làng Tanghan, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Washington Post).

Ở làng khác có tên Tanghuang, cây hạt dẻ không còn ra hạt, cây lô quất và giàn bí chuyển thành màu vàng khi mưa đến vào mùa hè. Nước đọng trên đất khi bay hơi để lại khoảng màu đỏ trên đất, theo dân làng.

Giữa các làng là những hồ nước đã bị đầy lên so với trước, có một lớp váng óng ánh trên bề mặt. Mẫu nước ở đây có hàm lượng chì gấp 8 lần mức an toàn uống được của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), theo một xét nghiệm độc lập do Washington Post thuê phòng lab thực hiện.

Không giống ở Mỹ hay Australia, các khu ô nhiễm ở Trung Quốc xen lẫn đất nông nghiệp ở miền nam, dẫn đến thách thức độc nhất vô nhị. Đã có những vụ việc gây sốc trong thập kỷ qua khi người tiêu dùng phát hiện hàm lượng kim loại nặng trong hạt gạo trồng gần các lò luyện kim.

“Có hiện tượng xen lẫn đất nông nghiệp và đất khai mỏ” ở Trung Quốc, Chen Nengchang ở Viện Sinh thái – Môi trường và Khoa học Đất Quảng Đông, nói với Washington Post.

Kinh hoàng dị tật do nước nhiễm độc

Huang Guiqing loay hoay với chồng tài liệu, ngón tay của ông có những khối nhăn nhúm như quả bóng bay đang xì hơi. Những khối u kích cỡ quả bóng bàn mọc ra từ tay và mắt cá chân của ông. Ông đã dành nhiều năm trồng trọt và uống nước nhiễm cadimi.

Tại làng của Huang, thuộc huyện Đại Tân, địa cấp thị Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây – cách Dachang 4 tiếng đi về phía nam – có 46 người bị nhiễm độc từ những năm 1970, sau nhiều năm một mỏ chì và thiếc xả nước thải vào con kênh dùng để tưới cánh đồng sắn và mía đường. Nước thải “có màu của xì dầu”, ông Huang nói với Washington Post.

Huang Guiqing loay hoay với chồng tài liệu. Những khối u kích cỡ quả bóng bàn mọc ra từ tay và mắt cá chân của ông. (Ảnh: Washington Post).

Phía tây nam huyện Đại Tân giáp ranh với tỉnh Cao Bằng của Việt Nam.

Đến năm 2000, chính quyền mới vào cuộc, phát hiện mức cadimi trong đất gấp 30 lần giới hạn quốc gia, nhưng không hành động gì hơn là cho mỗi cư dân 15 kg gạo, theo đơn cầu xin giúp đỡ của dân làng.

Mỏ than bị phá sản năm 2002. Phải đợi đến năm 2015, chính quyền mới phản hồi bằng một chỉ thị, trong đó thừa nhận chính quyền đã lơ là đối với thảm họa này, nhưng nói rằng chính quyền khó làm gì hơn.

“Khu vực ô nhiễm rộng lớn, chi phí tẩy độc khổng lồ”, chính quyền viết, ước tính cần tới 33 triệu USD. “Nguồn lực tài chính của huyện Đại Tân rất hạn hẹp”.

Chỉ thị đặt ra hạn chót tẩy độc là 2017, rồi lùi lại là 2018, giờ vẫn chỉ là lời hứa. Câu chuyện này lặp lại với các địa phương trên khắp Trung Quốc, nơi chính quyền địa phương vật lộn với kinh tế chững lại và nợ công tăng cao, theo Washington Post.

Ô nhiễm nước từ bùn thải bôxít

Năm 1986, quan chức Trung Quốc báo với cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về trữ lượng nhôm ở Quảng Tây. “Phải tiến hành thôi!”, ông Đặng có câu trả lời nổi tiếng.

Hai thập kỷ sau, Xinfa Group, tập đoàn nhôm từ miền bắc Trung Quốc, đã đầu tư 2,4 tỷ USD vào huyện Tĩnh Tây vốn vắng lặng, thuộc địa cấp thị Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây – giáp với huyện Đại Tân.

Huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây là nơi tập đoàn nhôm Xinfa đầu tư khổng lồ để khai thác nhôm. (Ảnh: Washington Post).

Từ trên không gian có thể nhìn thấy bể chứa bùn thải màu đỏ của việc khai thác bôxít (tức quặng nhôm) do Xinfa để lại, là nơi tranh chấp với người dân địa phương 10 năm nay.

18 tháng qua, đã ba lần bùn thải bị rò rỉ, làm ô nhiễm nước ngầm, làm ngập đường làng và khiến bể nước địa phương không uống được nữa. Tháng 6, người dân chặn nhà máy Xinfa trong ba ngày trước khi bị cảnh sát giải tán.

Một phiên tranh luận ở tòa án địa phương tháng 6 chỉ kéo dài 15 phút, theo Chen Wenxi, luật sư ở Bắc Kinh đại diện cho dân làng kiện tập đoàn Xinfa. Tòa bác bỏ đề nghị công bố hồ sơ môi trường của Xinfa, coi đó là bí mật quốc gia.

“Họ thiên vị, có yếu tố chính trị, khi một bên đã lo lót quá nhiều tiền còn bên kia thì quá nghèo”, ông nói với Washington Post. Chủ tịch Xinfa ngồi trong Quốc hội Trung Quốc.

Chính quyền cam kết sẽ buộc Xinfa chịu trách nhiệm cho các vụ việc, và đã phạt Xinfa 15.000 USD vì thăm dò trái phép, yêu cầu phải chở nước sạch cho người dân.

Bùn đỏ do Xinfa khai thác bôxít để lại ở huyện Tĩnh Tây. (Ảnh: Washington Post).

Nhưng Xinfa có ảnh hưởng không thể động đến ở địa phương, đóng góp 100 triệu USD tiền thuế vào năm ngoái.

“Không có Xinfa, chúng tôi không thể giảm nghèo, xây trường, xây nhà trẻ, xây bệnh xá”, Huang Lituo, cấp phó phụ trách tuyên giáo ở Tĩnh Tây, nói với Washington Post.

Một dân làng có tên Huang Hua, ngoài 30 tuổi nói cuộc sống ở đây phụ thuộc vào Xinfa một cách đầy mâu thuẫn.

“Chúng ta đang đấu tranh với Xinfa về nước sạch”, anh nói với Washington Post. “Nếu Xinfa chuyển đi thì chúng tôi lại chết khát thật”.