Thảm cảnh rùa hoang dã ở Việt Nam: Vào nồi nấu cao, lên bàn nhậu

Trước nạn săn bắt, tàn sát, bán buôn, giết thịt, nấu cao rùa, phóng viên Lao Động đã tiến hành điều tra ở hai miền Bắc, Nam. Nếu không có một sự vào cuộc quyết liệt, những con rùa quý hiếm, một thời gian ngắn nữa thôi, sẽ rơi vào tuyệt diệt. Ai đã thờ ơ, ai đã bảo kê bao che để quy định luật pháp bị chà đạp trong những vụ việc tàn sát, bán buôn, giết thịt và nấu cao rùa?

Bắc Kạn: Rực lửa lò luyện cao rùa

Trung tuần tháng 12 năm 2019, tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Khỏi cần hẹn trước, chỉ cần vào vai người mua, dò hỏi, chúng tôi đã được nhiều chủ buôn rùa chào đón. Chủ nhà hàng Thương H. lôi ra một túi cao rùa, giá bán chợ đen là 2,8 triệu đồng/lạng, chúng tôi giả vờ trả giá 2,7 triệu đồng, họ kiên quyết từ chối bán.

Ông chủ nhà kể: Một cán bộ huyện vừa nấu một nồi 40kg rùa, một cán bộ ngành liên quan đến tiền tệ cũng nấu vài chục cân, nhà ông thì nấu ít hơn, chỉ 8kg rùa “vì dạo này, không phải mùa nên kham hiếm”. Một thợ săn tiết lộ, ở khu này sở dĩ có phong trào nấu cao rùa giá đắt như thế, vì rùa núi đã cạn kiệt. Rùa này sống trên núi đá vôi cao và sâu, với hệ sinh thái giống vùng Vườn Quốc gia Ba Bể rồi vùng tiếp giáp là huyện Na Hang (của Tuyên Quang). Họ chỉ việc dắt chó săn vào rừng, chó ngửi tìm rùa và các con vật chậm chạp hiền lành sợ hãi nằm im cho người ta nhặt về. Mùa động dục, lũ rùa còn hồn nhiên phát ra âm thanh như là… gọi thợ săn.

Thợ săn đem ra một đàn rùa núi, con nào con đó mặt, cổ, tứ chi đen nhoáy. Chứng tỏ chúng đã sống nhiều năm trong rừng già. Người xưa dùng rùa này kê chân giường tủ, để hàng mấy thập niên nó vẫn trường thọ. “Chúng tôi đi rừng, gặp con rùa này, nhặt nó lên, gài kẹp vào cái cọc tre vỡ đôi, bỏ quên đến mùa rẫy năm sau nó vẫn sống và vẫn không tăng lạng nào. Nó ăn muỗi, uống nước mưa hay giọt sương đủ sống”- thợ săn kể.

Mai lũ rùa u lên, phủ đầy rêu rác, rêu mốc. Những người có mặt trong một cuộc ngã giá mua bán rùa đều cam kết họ bán rùa núi. “Ở đây chưa bao giờ biết nuôi rùa thương phẩm, cũng không biết nếu nuôi thì cho chúng ăn cái gì”, nhiều người đều trả lời như vậy. Có kiểm lâm, gặp ở quán cơm cổng trụ sở, còn vô tư nhấc máy điện thoại liên lạc với bạn bè của mình là chủ buôn bán động vật hoang dã, kết nối cho chúng tôi “đi mua rùa nấu cao”.

Nhiều người nấu cao rùa, buôn bán rùa ở Ba Bể, Bắc Kạn (ảnh cắt từ clip).

Trước sức hút khổng lồ của thị trường Trung Quốc, nhiều tư thương đã thu gom rùa của thợ săn rồi chở xe tải qua biên giới Cao Bằng, xuất bán. Đặc biệt, khi đường biên thắt chặt hơn, họ đã tiến hành thu gom rồi nấu cao rùa bán ở trong nước. Có ít nhất 4 người chúng tôi ghi hình được, đều dõng dạc tuyên bố: “Cao rùa chữa được ung thư và nhiều bệnh xương khớp nguy hiểm”. Đây là một lối tuyên truyền xằng bậy đã bị giới khoa học vạch mặt từ lâu. Tuy nhiên, nhiều người mù quáng vẫn tin, vì vậy, giá rùa núi tươi (thường là rùa sa nhân, các loài rùa đắt đỏ hơn đã rất hiếm) bị đẩy lên cao vút, một cân cao lên tới 30-40 triệu đồng.

Công thức của các vạc lửa nấu cao rùa nhẫn tâm này thường là: Dùng vài chục kilôgram rùa núi vừa bắt được, bỏ thêm thuốc phiện, giết thêm vài con diều hâu, đại bàng núi, lọc lấy mai và chân rùa bỏ vào nấu suốt 3 ngày đêm.

Đến nhà một người giàu có vì buôn bán động vật hoang dã ở ven thị trấn Chợ Rã, chúng tôi được bà Ng mở tủ lạnh cho xem hàng bao tải cao rùa và cao nhiều loại động vật quý hiếm khác. Cao đóng gói thành từng lạng vuông vức. Tương tự, nhà bà H ở ngay phố trung tâm, gần các cơ quan quản lý huyện Ba Bể, cũng nhiều cao. Bà mang ra cho khách xem, rồi tiết lộ cách nấu, các đường dây thu gom rùa bán ở trong nước và sang Trung Quốc.

Trước đó, ngày 15.7.2019, Công an tỉnh Bắc Kạn tiến hành bắt giữ 3 đối tượng buôn bán hơn 60kg động vật hoang dã, trong đó có 8 cá thể rùa. Đối tượng Dương Thị Ánh ở xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể đã sa lưới pháp luật. Nhưng, các lò nấu cao rùa rực lửa ở cùng huyện, mỗi chủ nấu toàn vài chục cân mỗi nồi thì vẫn nhởn nhơ.

Các chủ buôn rùa và cao rùa giới thiệu với chúng tôi người chuyên nấu cao rùa thuê, với giá 1,5 triệu đồng/nồi. Anh này tên P, người ở khu vực Phấn Mễ, cách TP tỉnh lỵ Thái Nguyên hơn 10km, ven Quốc lộ 3 về phía Bắc Kạn. Cuộc đối thoại tại Phấn Mễ, anh ta tiết lộ tất cả bí quyết nghề nghiệp và các chủ nấu cao rùa ở Chợ Rã, cả các vụ nấu cao hổ mà anh ta bao năm làm thuê cho họ.

Rửa nguồn gốc rùa và nồi lẩu rùa sôi ùng ục

Trước đó, điều tra phía Nam, tại An Giang, chúng tôi phải qua nhiều lần “xét duyệt” mới lọt được vào là thượng khách của một trang trại động vật hoang dã. Chủ nhà là bà Tân Thị H, ở thị trấn huyện An Phú, giáp biên giới Campuchia. Bà H cho nhân viên dẫn vào các bể nhốt rùa khổng lồ, những con rùa to đến vài kilôgram thoi thóp, nhiều con chết nổi lềnh bềnh thối um. Lũ còn sống thì ăn su hào, bắp cải chờ… vào vạc lửa.


Buôn bán mai rùa quý hiếm để nấu cao trong nước và sang Trung Quốc, ảnh chụp tại một trang trại có hoạt động “rửa nguồn gốc động vật” ở An Giang.

Bà H tiết lộ, xuất hàng sang Trung Quốc và cả Việt Nam, hàng này vốn được nhập lậu từ Campucia hoặc các chủ vựa đi thu mua rùa săn bắt ngoài tự nhiên. Tuy không nuôi rùa, rắn, song vì có tư cách là chủ trang trại, nên bà có quyền hợp pháp hóa nguồn gốc hàng kia vào trang trại rồi xuất bán rùa rắn vô tư. Chúng tôi hỏi “mua” giấy phép của kiểm lâm cấp cho H xuất hàng đi các nơi, H đồng ý ngay. Bịa ra một cơ quan, một địa chỉ, một loài rùa rắn bất kỳ, hôm sau chúng tôi có trong tay cái giấy đó với chữ ký và triện đỏ thật.

Và đường dây hợp thức hóa rùa rắn ngoài tự nhiên vào “rửa” nguồn gốc động vật trong các trang trại hiện ra. Trước đó, tại Đồng Tháp, chúng tôi xâm nhập vào một trại rùa rắn, họ xuất hàng nhiều tấn rùa cùng lúc liên tục, xong ở trang trại, qua cái cổng lụp xụp, nước cạn trơ, chỉ đếm được dăm ba con rắn với một vài con rùa chờ chết. Tất cả là mua bán “rửa nguồn gốc” bằng danh hiệu trang trại, chứ động vật cũng chẳng hề… bò qua trang trại!

Tình trạng ăn thịt rùa tự nhiên và buôn bán rùa trái phép vào trang trại ở Đồng Tháp, An Giang. Ảnh: T.A

Tại Đồng Tháp, chúng tôi ghi hình được cảnh giết rùa hoang dã, bán công khai trong nhà hàng. Cả cái mai rùa nguyên bản, kèm theo thịt và nội tạng được úp lên các nồi lẩu sôi lụp bụp, trông xa, mai rùa chuyển động cứ như con vật tội nghiệp đang cố sống cố chết bơi thoát khỏi các bữa tiệc hả hê vậy. Tại đảo ngọc Phú Quốc, ở nhà hàng Gia T, cũng bày bán nhiều rùa mà gia chủ thề thốt là loài hoang dã.

Với sự tàn sát trên diện rộng như vậy, nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn và bảo tồn hữu hiệu, chẳng mấy chốc các loài rùa quý của chúng ta chỉ còn trong ký ức.

“Cuộc khủng hoảng rùa Châu Á”

Các nhà bảo tồn thế giới đã đặt tên sự suy giảm nhanh chóng của đàn rùa ở Việt Nam và các nước lân cận là “Cuộc khủng hoảng rùa Châu Á”. Bởi vì, có tới 17/25 loài rùa nguy cấp nhất sống ở châu lục này.

* Thị trường Trung Quốc đã tạo ra sức hút khủng khiếp các sản phẩm từ rùa để làm trang sức và sử dụng y học cổ truyền. Số liệu của tổ chức WCS được công bố và báo chí trích dẫn chính thống, cho thấy: Phần lớn rùa ở Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, quốc gia có thị trường tiêu thụ rùa lớn nhất thế giới, ước tính trị giá 750 triệu USD/năm với hơn 300 triệu con rùa được bán hằng năm.

* Vẫn tồn tại một thị trường đáng kể về rùa quý hiếm ở Việt Nam phục vụ nhu cầu làm thú cưng, đặc sản và làm thuốc. Thị trường này đang tăng trưởng tạo nên áp lực khốc liệt vào công tác bảo vệ đa dạng sinh học và thượng tôn luật pháp.

Số liệu của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc tế (WCS): Gần 1/3 trong số hơn 26.000 bộ phận động vật hoang dã bị tịch thu từ năm 2013 đến 2017 là rùa. Khảo sát trong số 1.504 vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã, thì có đến 10,31% vụ việc liên quan rùa. Rùa trở thành nhóm loài lớn thứ hai trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Việt Nam.

Mức phạt lên đến 12 năm tù đối với cá nhân

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV): Chủ yếu lượng rùa bị nấu cao ở Bắc Kạn PV Lao Động ghi hình, nhiều khả năng là rùa sa nhân. Nó thuộc nhóm IIB. “Các vi phạm trên có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính tùy theo giá trị tang vật. Giá trị tang vật trên 150 triệu hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu trở lên (hoặc tái phạm) thì xử lý hình sự theo Điều 234 với mức phạt lên đến 12 năm tù đối với cá nhân. Nếu tang vật dưới 150 triệu thì xử phạt vi phạm hành chính tới 300 triệu đồng theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 – Nghị định 35/2019/NĐ-CP”, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV – nhấn mạnh.