Cục Hải quan Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm soát chặt hàng xuất nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh nhằm phát hiện hàng cấm, trong đó có sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép đối với sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn lậu chủ yếu từ các nước châu Phi, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore… vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
“Hiện các loại ngà voi (trừ ngà của voi Ma mút đã bị tuyệt chủng hàng nghìn năm) và vảy tê tê đều bị cấm buôn bán theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)”, TS. Đặng Tất Thế – Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và Di truyền bảo tồn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nói.
Trước tình trạng trên, Cục Hải quan Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Đội Kiểm soát Hải quan tăng cường công tác điều tra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn để triệt phá các vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm và sản phẩm từ các loài động vật hoang dã quý hiếm; tăng cường phối hợp với công an, Viện Sinh thái tài nguyên và sinh vật, Cơ quan quản lý Cites để kiểm tra, giám sát, kiểm soát và giám định mẫu.
Năm 2019, Cục Hải quan Hà Nội đã bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loại động vật hoang dã, quý hiếm. Một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng đã khởi tố hoặc chuyển cơ quan Công an TP Hà Nội khởi tố.
Mới đây nhất, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện liên tiếp 2 vụ vận chuyển sản phẩm động hoang dã. Tang vật thu giữ gồm 1,8kg sừng tê giác và 7 tượng mỹ nghệ sản xuất từ ngà voi, trọng lượng 4,22kg.
Trước đó đã có những vụ vận chuyển mà đối tượng buôn lậu khai báo hàng nhập vào Việt Nam là ngao sấy nhưng kết quả giám định tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật xác định lại là vảy loài tê tê thuộc giống Manis với tổng trọng lượng lô hàng hơn 150kg.
Tháng 2/2019, tại kho hàng ALS Nội Bài, hải quan phối hợp với lực lượng chức năng khám xét lô hàng gồm 7 kiện, phát hiện các vật dạng tấm có kích thước khác nhau được sơn phủ mài xanh bên ngoài, nghi là vảy, mai của loài rùa biển, tổng trọng lượng 254 kg.
Tiếp đó, tháng 4/2019 lực lượng hải quan Nội Bài kiểm tra hành ký ký gửi và hành lý xách tay của một hành khách từ Osaka đến Nội Bài, phát hiện 28 sản phẩm thủ công mỹ nghệ nghi là ngà voi. Chi cục hải quan đã bàn giao tang vật cho Phòng cảnh sát kinh tế – PC03 xử lý theo quy định. Cũng trong tháng 4/2019, Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hàng lý ký gửi của một hành khách bỏ lại sau khi nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay từ Singapore về Việt Nam, phát hiện 13 khúc sừng tê giác trọng lượng 14,62kg…
Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc nổi cộm nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn để buôn lậu và vận chuyển trái phép động vật hoang dã ngày càng tinh vi thông qua thay đổi doanh nghiệp để nhập khẩu; thường xuyên thay đổi các địa điểm tập kết, kho bãi, hoạt động không theo quy luật và không cố định.
Công tác giám định tốn kém, đôi khi gặp khó khăn do trong một số trường hợp tang vật có số lượng ít, không đủ làm mẫu vật. Đặc biệt, quy định về thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Trên thực tế khi phát hiện những hành vi vi phạm tội này, cơ quan hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.