Sông Mê Công là “dải lụa” kết nối các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam không chỉ về địa chất mà còn về đời sống văn hóa và kinh tế. Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, dưới tác động của tự nhiên và nhân tạo, con sông đang gặp phải những thách thức lớn nghiêm trọng.
Tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai và từ các hồ đập thuỷ điện
Hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Đồng bằng Mê Công được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn. Nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích.
Việc xây dựng các hồ chứa nước và thủy điện trên dòng chính, đặc biệt ở thượng nguồn sông Mê Công, thời gian qua đã không chỉ thu hút sự quan tâm của khu vực mà còn của các chuyên gia trên toàn thế giới. Toàn bộ lưu vực phía ngoài nước ta có trên 170 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành hoặc đang xây dựng. Các hồ trữ nước lớn trên dòng chính thượng nguồn sông Mê Công còn giữ lại một lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng lớn cung cấp cho các vùng đồng bằng hạ lưu. Theo tính toán, tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng có thể giảm tới 65%, nếu tính cả lượng phù sa bị giữ lại do các công trình thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc thì lượng phù sa khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên.
Tác động của bậc thang thủy điện dòng chính có thể gây sụt giảm tổng sản lượng đánh bắt tự nhiên tới 50% cho cả Việt Nam và Campuchia. Các đập trên dòng nhánh sẽ làm gia tăng thêm tổn thất về sản lượng đánh bắt cá và số lượng cá trong vùng. Điều này sẽ gây tác động bất lợi tới an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội và kinh tế của phần lớn người dân sống trong vùng đồng bằng ngập lũ của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phụ thuộc, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào nghề cá và các nghề có liên quan.
Đa dạng sinh học trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm: nguy cơ mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá; giảm số lượng các loài cá di cư; làm mất đi loài cá heo nước ngọt Ira-oa-đy của sông Mê Công; giảm phân bố và số lượng các loài nhuyễn thể nước ngọt; và giảm khả năng di chuyển của các loài thân mềm.
Ngoài các dự án thủy điện, gần đây Thái Lan đã nghiên cứu một số dự án chuyển nước với quy mô lớn thuộc vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan thuộc lưu vực sông Mê Công. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng cực đoan đang gia tăng, nếu thiếu đi sự phối hợp trong việc chia sẻ lợi ích từ con sông giữa các quốc gia, việc vận hành các công trình nước thượng nguồn sẽ là mối lo ngại lớn cho các quốc gia hạ lưu.
Áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế – xã hội
Dự báo dân số có thể lên đến khoảng 83 triệu vào năm 2060, công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ ngày càng phát triển và sẽ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đồng thời làm tăng nhu cầu về nước sạch cũng như phát sinh nhiều nước thải hơn. Đây sẽ là áp lực lớn đối với nguồn nước của sông Mê Công, đặc biệt là giải quyết vấn đề nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước. Do đó, nhu cầu lương thực và nước ngọt cũng ngày càng tăng, đồng thời kéo theo những vấn đề về suy giảm chất lượng nước, ô nhiễm nguồn nước.
Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt, giữa các lĩnh vực kinh tế và sinh hoạt đang diễn ra ở nhiều nơi. Sự gia tăng dân số nhanh và việc phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong những thập kỷ qua đã làm giảm đáng kể giá trị tự nhiên của lưu vực sông Mê Công. Nhiều vùng đất ngập nước như rừng ngập mặn, ao, hồ, đầm phá và vùng đồng cỏ ẩm ướt đang biến mất để nhường chỗ cho hệ thống tưới tiêu, trồng rừng, ruộng muối, phát triển công nghiệp và nuôi tôm. Ngoài ra, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên là một mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái. Diện tích rừng ngập mặn ngày càng giảm đi và điều này làm cho tình hình xói lở bờ biển và tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những suy thoái môi trường và thất thoát tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng này ngày càng trầm trọng thêm bởi sự gia tăng nhu cầu nước và năng lượng và sự thay đổi dòng chảy tự nhiên là một hệ quả của việc phát triển cơ sở hạ tầng dọc sông. Sự gia tăng áp lực lên nguồn tài nguyên nước vốn đã suy giảm đã dẫn đến căng thẳng về lợi ích giữa người dùng nước thượng lưu và hạ lưu.
Thuận Thành (Tổng hợp)