Ngày 24/12, Hàn Quốc quyết định đóng cửa thêm một lò phản ứng hạt nhân trong nỗ lực tập trung thúc đẩy các nguồn năng lượng bền vững và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân và hóa thạch.
Đây là lò phản ứng hạt nhân thứ hai bị đóng cửa vĩnh viễn tại Hàn Quốc, sau lò phản ứng Kori-1 hồi năm 2017.
Ủy ban An ninh và An toàn Hạt nhân (Hàn Quốc) đã thông qua đề nghị của Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đóng cửa vĩnh viễn lò phản ứng Wolsong-1 ở Gyeongju, cách thủ đô Seoul 370 km về phía Đông Nam. Lò phản ứng này đã bắt đầu hoạt động phục vụ mục đích thương mại vào năm 1983.
Quyết định trên được đưa ra 10 tháng sau khi KHNP, nhà vận hành lò phản ứng Wolsong-1 đệ đơn đề nghị đóng cửa lò phản ứng này với lý do công ty thua lỗ do công suất hoạt động thấp của lò phản ứng trong khi chi phí bảo dưỡng lại tăng. Giấy phép hoạt động của lò phản ứng này đã được gia hạn cho tới hết năm 2022.
Trước đó, Hàn Quốc đã thông báo chiến lược năng lượng mới, trong đó chú trọng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch, sử dụng các nguồn năng lượng bền vững hơn để thay thế.
Để thực hiện chiến lược trên, Hàn Quốc đặt mục tiêu đóng cửa 11 trong số 24 lò phản ứng của nước này cho đến cuối năm 2030. Phần năng lượng tái tạo tham gia sản xuất điện tại Hàn Quốc sẽ lên tới 20% vào năm 2030 và lên tới khoảng 30 – 35% vào năm 2040.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Hàn Quốc, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 7,6% sản lượng điện của nước này trong năm 2017 trong khi nhiệt điện chiếm 43% và tiếp đó là điện hạt nhân chiếm khoảng 27%.