Gần 10 năm Luật Khoáng sản 2010 đi vào cuộc sống, nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản đã được giải quyết, song tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản vẫn chưa được kiểm soát.
Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực gần 10 năm nay đã giải quyết nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản. Những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cũng đã được bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các luật chuyên ngành.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai tại nhiều địa phương, việc quản lý vẫn còn lỏng lẻo, tài nguyên khoáng sản thường xuyên bị “đánh cắp” một cách… khó hiểu.
Những “khoảng tối” trong thực tiễn
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, trong số các loại khoáng sản bị “đánh cắp” được người dân và báo chí phản ánh trong những năm gần đây, “cát sỏi” là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Hoạt động khai thác cát “trá hình” dưới nhiều hình thức, nhưng chưa được chấn chỉnh một cách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả.
Đơn cử như trên sông Lô, đoạn chảy qua 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, hiện có hàng chục điểm khai thác cát, lập bến, bãi trái phép gây sạt lở, lấm chiếm đê điều, đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn nước, ô nhiễm môi trường…
Khó hiểu hơn, có những doanh nghiệp còn đứng ra xin phép khai thác nhiều mỏ cát rồi bán lại cho cá nhân khai thác khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Trong khi chính quyền cấp xã đi kiểm tra – không lần nào được lãnh đạo mỏ cung cấp hồ sơ, còn cơ quan cấp phép thì không hay biết doanh nghiệp khai thác cát “chỉ còn tồn tại trên giấy”.
Minh chứng như trên một đoạn sông Lô dài khoảng 500m thuộc địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, ngày 5/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã cấp phép một lúc 2 mỏ cát cho Công ty cổ phần Bảo Ngọc Hà Giang khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 20 tháng cấp phép, doanh nghiệp khai thác mỏ vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Ghi nhận của người viết vào những ngày đầu tháng 12/2019 cho thấy sông Lô đã bị nắn dòng để làm bãi tập kết cát, một bãi cát “khổng lồ” chứa hàng trăm nghìn m3 cát với hàng chục máy móc, thiết bị như tàu hút, máy xúc đang hoạt động, xe tải tự do vào ra mua bán cát. Ven bờ, dầu thải sửa chữa máy móc không được thu gom mà loang vãi khắp nơi, chảy thẳng xuống sông Lô – khu vực đầu nguồn nước.
Trước thực trạng nêu trên, phóng viên VietnamPlus đã thông tin tới lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Thanh Thủy thì nhận được thông tin doanh nghiệp khai thác cát trên hiện nay không phải là Công ty cổ phần Bảo Ngọc HG như được cấp phép, mà là mỏ của một cá nhân tên Dũng đã tiến hành khai thác 3 tháng qua. Tuy nhiên, thủ tục mua bán mỏ cát này thế nào, chính quyền xã lại “không hề hay biết”.
“Xã cũng đi kiểm tra, nhưng cái khó của xã đi kiểm tra họ nói đây tỉnh cấp chứ có phải xã cấp đâu mà làm việc với xã. Ngoài ra, có lần nào gặp được chủ mỏ đâu, toàn mấy người nhân viên khai thác và họ nói không biết. Với xã, thì họ chỉ coi như địa bàn khai thác thôi,” ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Thủy giãi bày.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với Công ty cổ phần Bảo Ngọc HG theo như tên đăng ký trong giấy phép khai thác mỏ, thì lãnh đạo công ty xác nhận: “Đã chuyển nhượng cả công ty cho người đàn ông tên Dũng từ 2 năm trước, mọi thủ tục sau cấp phép mình chưa thực hiện mà công ty hiện nay khai thác phải thực hiện.”
Như lời lãnh đạo Công ty cổ phần Bảo Ngọc HG chia sẻ thì rõ ràng doanh nghiệp được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cấp phép khai thác mỏ “chỉ còn cái tên tồn tại trên giấy,” còn thực tế mỏ cát đã được bán lại cho cá nhân khác làm chủ. Tuy nhiên, khi trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang, đại diện sở này cho biết vẫn không hay biết về việc “mua, bán” 2 mỏ cát này.
“Tôi đã cho anh em kiểm tra. Khu vực khai thác cát tại Km 17 (Công ty cổ phần Bảo Ngọc HG) chưa hoàn thiện thủ tục. Cụ thể là chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép về khai thác mặt nước”, ông Đặng Văn Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang chia sẻ.
Vậy việc doanh nghiệp xin giấy phép rồi bán lại cho cá nhân khai thác khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, làm thất thoát tài nguyên của quốc gia, gây ô nhiễm môi trường, xâm hại đê điều thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Cần tiếp tục sửa đổi Luật Khoáng sản
Cũng trên sông Lô, tại khu vực giáp ranh giữa thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn, huyện Sơn Dương hiện nay có rất nhiều điểm khai thác, bến bãi tập kết cát. Một số trường hợp không có giấy phép, một số có giấy phép nhưng quá trình khai thác lại không rõ phạm vi mốc giới và theo người dân phản ánh có tình trạng doanh nghiệp được cấp phép thì “thu phí” các “bãi con”…
Lý giải thông tin trên, ông Nguyễn Trường Lâm, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang cho rằng “giấy phép khai thác mỏ thì cấp hết rồi, trừ điểm liên quan đến di tích lịch sử là không cấp. Còn khai thác trái phép ít làm lắm, nếu muốn biết chính xác thì phải kiểm tra.” Tuy nhiên, về khía cạnh Luật, trong phạm vi mỏ, chỉ có kiểm tra thực tế mới xác định được mốc giới.
“Chính cái này mà bọn tôi cũng đang khó. Luật quy định đối với công nghệ thông tin chỉ được áp dụng trong xử phạt giao thông và môi trường. Còn khoáng sản bọn tôi đang phải đau đầu, bởi có những cái quay được hình ảnh, nhưng luật lại chưa cho đưa vào để vào xử lý, nên chỉ có thể đi kiểm tra đo tọa độ,” ông Lâm giãi bày và cho rằng “xuống nước đi kiểm tra cũng không phải dễ vì phải có phương tiện.”
Tương tự, về thời gian khai thác, mặc dù hiện nay, Chính phủ đang quy định cấm khai thác cát sỏi vào ban đêm, chỉ được phép khai thác ban ngày (từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối). Tuy nhiên, theo ông Lâm, trong luật xử phạt vi phạm hành chính quy định ban ngày là từ 6 giờ sáng đến 22 giờ, ban đêm là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng. Do đó, “chính luật cũng đang làm cho mình khó xử lý”, ông Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên khi đề nghị được phối hợp cùng Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra thực tế các điểm có dấu hiệu vi phạm, ông Lâm cho rằng “cái này phải liên hệ qua Sở”.
Để làm rõ thực trạng trên, ngày 11/12, phóng viên VietnamPlus tiếp tục liên hệ làm việc với ông Nguyễn Sơn Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang theo lời đề nghị “gửi thông tin trước để kiểm tra” và nhận được câu trả lời: “Anh đã giao cho các phòng, sang tuần sẽ có thông tin gửi lại em”. Tuy nhiên, đến nay, sau gần nửa tháng, Sở này vẫn không có thông tin phản hồi nào.
Theo quy định, trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm đối với các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ lẻ thuộc về cơ quan quản lý cấp địa phương. Đó cũng là lý do thời gian qua, nhiều trường hợp khai thác cát vi phạm đã được người dân phản ánh lên các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng không ít trường hợp vì vượt thẩm quyền nên đơn thư lại được chuyển xuống địa phương. Và rồi, phản ánh của người dân vẫn không được giải quyết triệt để.
Nhằm siết chặt và hạn chế thấp nhất tình trạng khai thác cát trái phép, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các đơn vị chuyên môn của Bộ, để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát sỏi lòng sông, bảo vệ lòng bờ bãi sông. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị dự thảo Nghị định cần làm rõ hoạt động quản lý cát sỏi lòng sông, nếu có sai phạm thì chỉ ra được đơn vị đầu mối có đủ phương tiện, thẩm quyền để xử phạt.
Ông Hà cũng chỉ ra vấn đề trong dự thảo Nghị định cần đưa vào các quy định như cấm khai thác đêm, công bố các quy hoạch, giấy phép khai thác, lộ trình, thời gian khai thác cho người dân biết để thực hiện chức năng giám sát; tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang đê điều và các công trình liên quan khác về tài nguyên nước,…
Chia sẻ thêm về dự thảo Nghị định trên, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết hiện nay dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành. Việc này thể hiện được quan điểm của Nhà nước về quy hoạch tổng thể tài nguyên cát sỏi theo lòng sông, gắn trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương từ khi lập quy hoạch, cấp phép thăm dò khai thác đến vận chuyển và mua bán.
Đặc biệt, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp và các bộ, ngành liên quan; quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố có chung ranh giới, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban Nhân dân các cấp; tạo điều kiện cho người dân có quyền được giám sát, cũng như đảm bảo có đất sản xuất ven sông.