Phải mất cả một ngọn lửa, gần như đã phá hủy nhà thờ Đức Bà Paris, người ta mới nhận ra lỗ hổng trong các quy định an toàn toàn cầu đối với chì – một vật liệu xây dựng độc hại được tìm thấy tại nhiều TP lâu đời.
Sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà hồi tháng 4 năm nay, khi hàng chục tấn bụi chì độc hại bị thải vào bầu khí quyển chỉ sau vài giờ, chính quyền Paris nhận thấy một vấn đề với các quy định an toàn công cộng của TP: Chưa có ngưỡng nào để họ đánh giá mức độ nguy hiểm ô nhiễm chì chết người từ bụi lắng xuống mặt đất.
Khoảng trống pháp lý này sau đó được phát hiện vượt xa ngoài nước Pháp, khi quan chức ở các thủ đô lịch sử khác tại châu Âu như Rome, London… cũng như Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cũng không có hướng dẫn về nguy cơ bụi chì ngoài trời như vậy.
Ngộ độc từ bụi chì có thể gây mất nhận thức vĩnh viễn, co giật, hôn mê hoặc tử vong, trong khi người có nguy cơ phơi nhiễm chì cao nhất là bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ – những người dễ hút bụi độc hại qua đường miệng. |
Và mặc dù đã có các quy định về mức độ chì, nhưng thực tế đã không ai tính đến khả năng phát thải từ một công trình đầy chì như nhà thờ Đức Bà. Sau khi 250 tấn chì phát ra từ vụ hỏa hoạn bất ngờ, chính quyền Paris lập tức cảnh báo người dân về nguy cơ sức khỏe môi trường, trong khi nhanh chóng nghiên cứu để hoàn thành một chỉ tiêu đánh giá an toàn tạm thời, nhằm trấn an công chúng.
Vào ngày 18/7 – 3 tháng sau địa ngục – Cơ quan Y tế Vùng Paris (ARS) cho biết họ đã chỉ định 5.000µg/m2 là mức độ liên quan đến bụi chì trong không gian công cộng. Cơ quan này cũng thừa nhận rằng đã thiếu các ngưỡng quy định, liên quan đến sự hiện diện của chì trong bụi lắng đọng trên đường.
Luật mới về an toàn trong các trường hợp nguy hiểm nơi công cộng ở Anh, được đưa ra sau vụ cháy Tháp Grenfell 2017, cũng không bao gồm các mối nguy bụi chì. Theo lý giải của Bộ Môi trường Anh, trọng tâm nguy hiểm sau hỏa hoạn Grenfell – một tòa chung cư được xây dựng vào những năm 1970 – là về amiăng hơn là chì.
Tại Mỹ, nơi nhiều tòa nhà được xây dựng sau khi mối nguy hiểm chì được công nhận rộng rãi, Cơ quan Bảo vệ Môi trường nước này cũng không có tiêu chuẩn về bụi chì cho không gian công cộng ngoài trời. |
Một số phương tiện truyền thông báo cáo rằng mức độ nhiễm chì tại các địa điểm xung quanh nhà thờ Đức Bà dao động trong khoảng từ 500 – 800 lần so mức an toàn chính thức. Nhưng các quan chức y tế xác nhận với AP rằng Paris vẫn chưa có bất kỳ ngưỡng quy định chính thức nào, trong khi WTO cũng cho biết không có hướng dẫn an toàn ngoài trời đối với bụi chì.
Chì có mặt trong mọi kiến trúc thế kỷ 19 của Paris – trên mái nhà, ban công mạ vàng, sàn nhà và sân thượng. Năm 1853, Napoleon III đã chỉ định Nam tước Haussmann chịu trách nhiệm tiến hành cải tạo gần như toàn bộ đại lộ và công viên ở Paris, với việc sử dụng chì một cách phổ biến cho những thiết kế vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Phải mất 4 tháng sau vụ cháy để thủ đô này hoàn thành việc dọn dẹp sạch sẽ các vỉa hè, ngay cả khi khách du lịch và người dân tiếp tục đi dạo trên các con đường quanh nhà thờ mỗi ngày.
Tòa thị chính Paris đã ban hành một kế hoạch hành động mới vào mùa thu này để giải quyết vấn đề chì – bao gồm dọn dẹp và xét nghiệm ở những nơi nuôi dạy trẻ em, tăng cường giám sát trẻ có lượng chì cao trong máu, và thực hiện một nghiên cứu dịch tễ học về các tác động của chì với sức khỏe từ thời trung cổ đến nay.
Đáng nói, các chuyên gia nhấn mạnh tình trạng “có 1-0-2” khi Paris là một TP lịch sử được bảo tồn cao, khiến nó trở thành một điểm càng đặc biệt nguy hiểm về mức độ chì. Tuy nhiên, nhận định này không nhằm khuyến khích khách du lịch thay đổi kế hoạch đến thăm TP nổi tiếng này.
Aline Magnien – Giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu di tích lịch sử, gần đây đã phái nhóm các nhà khoa học của mình tìm ra cách loại bỏ chì độc hại từ bên trong nhà thờ di sản thế giới 855 năm của UNESCO mà không làm hỏng nó.
“Đây là một cuộc chiến thực sự… giá trị của nhà thờ và sức khỏe con người đều đặc biệt quý giá. Và chúng ta không còn nhiều thời gian nữa”, bà Magnien nói.