Một nghiên cứu mới do TRAFFIC và Ban thư ký CITES phối hợp thực hiện ghi nhận hàng ngàn cá thể và các bộ phận rùa biển được phát hiện qua các vụ bắt giữ trên cả thực tế và thị trường trực tuyến ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Từ năm 2015 đến tháng 7/2019, ba quốc gia đã phát hiện, thu giữ ít nhất 2.354 cá thể rùa, cả sống và chết trong 163 vụ việc cùng hơn 91.000 quả trứng rùa (hơn 75.000 quả trứng thu ở Malaysia), gần 3.000 mai và 1,7 tấn thịt rùa.
Phân tích dữ liệu về các vụ bắt giữ được thực hiện bên ngoài ba quốc gia trong năm 2016 và 2017 cho thấy Indonesia và Việt Nam có liên quan đến buôn bán rùa biển quốc tế. Việt Nam liên đới đến 6/8 vụ bắt giữ trong vai trò là nước xuất xứ hoặc điểm đến, trong đó có ít nhất 782 cá thể đồi mồi được phát hiện, thu giữ với hơn 380 cá thể có nguồn gốc từ Haiti và được chuyển từ Pháp về Việt Nam.
Kanitha Krishnasamy, Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á cho biết: “Rùa biển từ lâu đã bị đe dọa. Nghiên cứu của chúng tôi trong những năm qua liên tục cho thấy mức độ thương mại bất hợp pháp đáng kể ở nhiều quốc gia trong khu vực và rất ít bằng chứng cho thấy các mối đe dọa với rùa giảm đi”.
Theo bà Kanitha Krishnasamy, khi đặt các quần thể rùa này vào tình trạng đang suy giảm trên toàn cầu, mức độ buôn bán bất hợp pháp dai dẳng cho thấy tương lai của rùa khá ảm đạm, do đó, các hành động hợp tác cần được coi là vấn đề ưu tiên.
Tất cả các loài rùa biển được liệt kê vào Phụ lục I của Công ước CITES, nghiêm cấm buôn bán quốc tế ở phạm vi cá thể cũng như các bộ phận và dẫn xuất của chúng. Mua bán nội địa tuy không bị CITES quy định nhưng bị cấm theo luật pháp quốc gia Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, tại nhiều vùng ở bán đảo Malaysia, buôn bán trứng một số loài rùa lại là hợp pháp.
Ngoài số vụ và tang vật vi phạm, nhiên cứu cũng xem xét các tuyến đường buôn lậu được sử dụng, các điểm nóng thương mại bất hợp pháp và các động lực buôn bán nội địa. Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc theo dõi lâu dài các xu hướng và động lực thương mại tại các địa điểm chủ chốt, kể cả những địa điểm nghiên cứu này chưa bao trùm tới.
Tổng thư ký CITES Ivonne Higuero chỉ rõ nghiên cứu cho thấy cần tiếp tục hỗ trợ thực thi ở cấp địa phương về các quy định quốc gia và quốc tế đối với rùa biển, được phản ánh trong một loạt các quyết định được thông qua tại Hội nghị gần đây của các bên tham gia Công ước.
“Ban thư ký CITES sẵn sàng hợp tác với các đối tác như Cơ quan quốc tế chống tội phạm về động vật hoang dã (ICCWC) để hỗ trợ các nước về vấn đề này”, Higuero nhấn mạnh.
Nhật Anh