Tiềm năng thủy sản tự nhiên ở các vùng nước nội địa của Việt Nam rất lớn để phát triển khai thác, nuôi trồng và sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, suy thoái hệ sinh thái thuỷ sinh…
Tại Hội nghị Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản do Tổng cục Thủy sản (Bộ &NNPTNT) tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có khoảng 544 loài cá nước ngọt; trong đó có 243 loài cá ở các sông miền Bắc, 134 loài ở miền Trung và 255 loài ở miền Nam; và 700 loài động vật không xương sống. Tiềm năng thủy sản tự nhiên ở các vùng nước nội địa của Việt Nam rất lớn để phát triển khai thác, nuôi trồng và sinh kế cho người dân.
Theo báo cáo của 47/63 Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố, trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hơn 3.500 đợt kiểm tra, tuần tra, kiểm soát về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đã xử lý vi phạm 8.502 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới hơn 44,74 tỷ đồng.
Tổng cục Thủy sản cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đạt được như kỳ vọng là do đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn thiếu, hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm.
Trong khi đó, số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản nhiều, chưa kiểm soát được cường lực khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi vùng biển ven bờ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không có tư duy đúng về bảo tồn biển sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn. Việc Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội thông qua được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc định hướng, các giải pháp cho bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn biển, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, đào tạo, hội nghị, hội thảo, tài liệu, tờ rơi đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, trong đó tập trung tuyên truyền đối với các cá nhân, tổ chức được giao quản lý nguồn lợi thuỷ sản, người dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên, đặc biệt là những người dân làm nghề khai thác thủy sản trái phép như xung điện, chất nổ, chất độc, giã cào.
Cùng với đó, việc tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần được quan tâm hơn nữa. Chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi; việc sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi thuỷ sản như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay), đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng, trong các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn, phổ biến.
Tình hình tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, mành, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, sử dụng chất nổ để khai thác trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (KBTB), đặt biệt là trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt vẫn diễn ra; dẫn đến nguồn lợi các loài giá trị cao như hải sâm, tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng, cầu gai sọ dừa suy giảm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Các địa phương cần tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân, cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Tăng cường thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của loài thuỷ sản theo chuyên đề phục vụ quản lý hoạt động khai thác tại địa phương. Ưu tiên công tác thành lập, quản lý khu bảo tồn biển theo quy định pháp luật; thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.
Nhằm ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép; kiểm soát các nghề, ngư cụ cấm, khu vực và thời gian cấm khai thác, sử dụng chất nổ, xung điện…