Chúng ta cần bỏ “thói quen thường lệ” và tạo ra những thay đổi tích cực mà chúng ta muốn thấy, từ cách thức phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, sản xuất, lựa chọn hàng hóa hàng ngày, cách thức mua sắm hay đi lại.
Trong hai tháng vừa qua, người dân thủ đô đã phải chịu tác động tiêu cực từ ô nhiễm không khí và nước, hai yếu tố thiết yếu của cuộc sống. Đã có những ngày Hà Nội biến thành một trong những đô thị ô nhiễm không khí nhất trên thế giới, và theo số liệu của các cơ quan chức năng, chỉ số bụi mịn PM2.5 có lúc đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Khi bầu trời Hà Nội trong lên và không còn màn sương bụi, thì thành phố lại gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước, gây mất nước nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khoảng một triệu người dân.
Ô nhiễm không khí, đất và nước đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chúng ta. Ô nhiễm môi trường không chỉ tác động tới chất lượng sống của người dân đô thị, mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của đô thị đó. Bên cạnh đó, yếu kém trong kiểm soát ô nhiễm cũng ảnh hưởng tới niềm tin của người dân đối với các cơ quan chức năng.
Vậy Chính phủ cần làm gì để xử lý ô nhiễm và tăng trưởng xanh? Chúng tôi xin đề xuất kế hoạch hành động mang tên P-R-I-M-E (Quy hoạch, Nguồn lực, Thông tin, Quản lý và Thực thi).
Quy hoạch là công tác tối quan trọng và phải làm đúng, vì định hướng tăng trưởng và phát triển trong nhiều năm được định hình trong khâu này. Quy hoạch đô thị cần xác định khoảng trống giữa cơ sở hạ tầng hiện tại và nhu cầu trong tương lai.
Nguồn lực cần được phân bổ để đầu tư đúng mức vào các dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Một trong những lý do khiến công tác thu gom và xử lý nước thải không theo kịp tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Hà Nội là do thiếu nguồn lực tài chính cho ngành nước và vệ sinh, ước tính mỗi năm khoảng 1,7 tỷ USD tương đương 39,4 nghìn tỷ đồng (*).
Thông tin cũng là một yếu tố rất quan trọng vì chúng ta không thể quản lý những gì chúng ta không có thông tin. Cần xây dựng các cơ sở dữ liệu công khai và minh bạch về các loại hình ô nhiễm để người dân dễ dàng truy cập.
Quản lý phải bao quát tất cả các nguồn gây ô nhiễm, cho dù là một điểm cố định (ví dụ: ống xả) hay một khu vực (ví dụ: nước mưa chảy tràn).
Thực thi cần được đẩy mạnh hơn. Trong các trường hợp xử phạt hành chính không phát huy hiệu quả, có thể cân nhắc áp dụng xử lý hình sự.
Tuy nhiên cuộc chiến chống ô nhiễm không phải là cuộc chiến đơn độc của chính phủ. Ô nhiễm không trừ một ai, bởi vậy mọi người đều cần chung tay bảo vệ và giữ sạch môi trường.
Nhiều quốc gia từng trải qua các thời kỳ ô nhiễm mức độ cao trong quá trình phát triển và có nhiều bài học có thể chia sẻ với các quốc gia khác. Các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ trao đổi kiến thức và mang lại kinh nghiệm quốc tế giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách sáng suốt về lĩnh vực nào cần đầu tư và cách thức giải quyết tình trạng ô nhiễm đang tăng. Những kinh nghiệm và kiến thức này có thể giúp đưa ra các giải pháp phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn về hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Một số tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp. Khi chính quyền thắt chặt quy định, đẩy mạnh thực thi và người tiêu dùng có ý thức hơn về môi trường, các doanh nghiệp cũng phải chú trọng cải thiện hiệu suất môi trường và tuân thủ quy định.
Với tư cách là người dân cũng như người tiêu dùng, chúng ta có thể lựa chọn sản phẩm dựa trên hiệu suất môi trường của các thương hiệu bằng cách chọn các sản phẩm và các nhà sản xuất thân thiện với môi trường.
Hãy tưởng tượng sự khác biệt sẽ được tạo ra nếu tất cả chúng ta đều lựa chọn lối sống xanh? Bạn có biết rằng lượng rác thải nhựa trên đầu người ở Việt Nam đã tăng từ 3,8 kg lên 41,3 kg trong vòng chưa đầy 20 năm? Đó là một con số đáng kinh ngạc.
Nhưng chúng ta có thể thay đổi bằng cách giảm lượng rác thải ra mỗi ngày, thông qua việc thay thế nhựa một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng, đẩy mạnh hoạt động tái chế và bảo tồn năng lượng.
Chúng ta cần bỏ những ‘thói quen thường lệ’ và tạo ra những thay đổi tích cực mà chúng ta muốn thấy, từ cách thức phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, sản xuất hàng hóa, lựa chọn hàng hóa hàng ngày, cách thức mua sắm hay đi lại. Giữ cho các thành phố xanh sạch là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Cùng chung tay chúng ta sẽ làm được!
(*) Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng xem báo cáo “Việt Nam: Hướng tới hệ thống cấp nước an toàn, sạch, có khả năng thích ứng”.
Ông Ousmane Dione/ Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam