Khi cừu thành sư tử: Góc nhìn của kẻ săn trộm ngà

Nhà làm phim tài liệu Jon Kasbe đã dành nhiều năm theo chân những người săn voi ở Kenya và thành quả mà ông đạt được là bộ phim 74 phút chắt lọc lại cả quá trình.

Săn trộm ngà voi là một thực tế không ai có thể chấp nhận. Thật vô đạo đức khi gây nguy hiểm cho các loài voi bằng cách giết chết từng cá thể. Nhưng dù thế nào buôn bán ngà voi vẫn tồn tại. Vì vậy, nhà làm phim tài liệu Jon Kasbe đã đặt ra cho bản thân một thử thách đặc biệt khó khăn: Sáng tác bộ phim “When Lambs Become Lions” (Tạm dịch: Khi cừu trở thành sư tử). Phim nêu bức tranh về nạn săn trộm ngà voi được kể phần lớn từ góc nhìn của chính những người làm việc đó.

Một cảnh trong phim.

Hấp dẫn và đầy sức ảnh hưởng, bộ phim theo chân hai người đàn ông Kenya làm việc liên quan đến mặt trái của nạn buôn bán ngà voi gây tranh cãi.

Tiêu đề được đặt theo một câu tục ngữ Kenya “Dạ dày trống rỗng sẽ biến cừu thành sư tử”, bộ phim đưa đến một số hình ảnh tuyệt vời, nổi bật nhất là cảnh ngọn lửa đốt cháy số ngà bị tịch thu trị giá 150 triệu USD.

Ở vùng đất đai khô cằn của Kenya, một người buôn ngà voi được gọi là X đứng ngoài vòng pháp luật.

“Thiên Chúa đã cho tôi một cái lưỡi ngọt ngào và một bộ não tinh nhanh. Lòng tôi lại không mảy may sợ hãi”.

Anh ta dễ ghét, nhưng lại là một người may mắn. Anh ta nói về cách mình không bao giờ giết voi, việc đó thuộc về chiến hữu Lukas – người bắn voi bằng tên độc.

X có một người anh em họ tên Asan làm kiểm lâm trong một đội tuần tra được giao nhiệm vụ dập tắt nạn săn trộm. Asan không được trả tiền mua trang thiết bị trong nhiều tháng nên đã tiếp tay cho X và Lukas trong việc săn trộm.

Mặc dù bộ phim không nhấn mạnh vào các hình ảnh bạo lực, chúng ta vẫn thấy cảnh một nhóm kiểm lâm viên đánh một kẻ săn trộm khi người đó than vãn về việc không còn cách nào khác để trả tiền học cho con.

Một sự thật rõ ràng là không phải người dân ở châu Phi tự thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn mà chính những người da trắng luôn thờ ơ với điều kiện sống của những người bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật.

Giống như rất nhiều người Kenya, X và Asan có cha là người kiếm sống bằng săn trộm và đến lượt họ cũng làm điều đó. Không nhiều người hiểu nổi tại sao X mong muốn có nguồn thu nhập an toàn để mua một chiếc xe đạp làm phần thưởng cho cậu con trai nhỏ đã đạt điểm cao ở trường.

Ngược lại, Asan phải giật gấu vá vai vì người quản lý không trả tiền cho anh trong nhiều tháng. Sau khi một trong những đồng nghiệp của anh bị giết trong một cuộc phục kích của những kẻ săn trộm, vợ anh cảnh báo về việc “hài lòng với công việc”.

Kasbe đã dành nhiều năm sống với những nhân vật, và bộ phim 74 phút là một sự chắt lọc về cống hiến của ông. Bộ phim không đi vào nguồn gốc của việc buôn bán hay áp lực từ các nước phương Tây dồn lên việc buôn bán như thế nào, mà thay vào đó là một bức chân dung nổi bật về con người của những người khốn khổ tìm kiếm lối thoát và có thể được cứu rỗi.

Nhật Anh (Theo New York Times)

Nguồn: