Tê giác là một trong những loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, do nạn săn trộm bất hợp pháp để cung cấp cho nhu cầu về sản phẩm từ sừng. Dù nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có các biện pháp ngăn chặn, nhưng quần thể tê giác trên thế giới vẫn không ngừng bị đe dọa.
Hợp tác quốc tế là điều cần thiết
Trong số các quốc gia, Nam Phi là nơi trú ngụ của số lượng tê giác lớn nhất trên thế giới – với 20.000 con, trong đó có khoảng 2.000 con tê giác đen và khoảng 18.000 tê giác trắng. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2007 – 2014, Nam Phi đã trải qua một cuộc khủng khoảng lớn về nạn săn trộm tê giác khi tỉ lệ này tăng tới 9.000%.
Tội phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) là hình thức sinh lời thứ tư của tội phạm có tổ chức trên toàn cầu và là một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà miền Nam Châu Phi đang phải đối mặt, đứng đầu là nạn săn trộm tê giác. Thị trường chính tiêu thụ sừng tê giác trên thế giới được cho là Việt Nam và Trung Quốc.
Trước nghĩa vụ bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vào tháng 8.2014, Chính phủ Nam Phi đã phê duyệt Bản can thiệp chiến lược toàn diện để quản lý tê giác ở Nam Phi. Thông qua đó, đã đạt một số những thành công trong việc chống nạn săn bắn tê giác, trong đó chú trọng việc hợp tác quốc tế, với nhiều biện pháp.
Trong mối quan hệ hợp tác quốc tế này, vào năm 2012, Việt Nam và Nam Phi đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học (có hiệu lực từ năm 2012-2017) và năm 2013, đã ký kết Kế hoạch hành động về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học giai đoạn 2012-2017. Nhiều chương trình, hoạt động đã được thực hiện, trong đó có việc thông qua các hình thức giáo dục nhằm nỗ lực hạn chế nhu cầu của người tiêu dùng đối với sừng tê tại Việt Nam, đã được sự ủng hộ của các Tổ chức chống buôn bán trái phép ĐVHD ở Châu Á.
Mới đây, ngày 6.12.2019, tại Hà Nội, Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam đã tiến hành bàn giao 55 mẫu vật giám định sừng tê giác (tịch thu tại sân bay quốc tế Nội Bài ngày 25.7.2019) cho đại diện Cơ quan quản lý CITES Nam Phi. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ sự tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết 9.14 về bảo tồn và thương mại mẫu vật tê giác Châu Á, Châu Phi của CITES.
Kể từ khi Việt Nam và Nam Phi ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học đến nay, đây là lần thứ 4 Việt Nam bàn giao mẫu vật giám định sừng tê giác từ các vụ bắt giữ, tịch thu cho phía Nam Phi – nhằm thực hiện giám định, xác định nguồn gốc xuất xứ, phục vụ công tác điều tra tội phạm hiệu quả. Việc bàn giao mẫu vật này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 quốc gia trong phòng, chống đấu tranh với tội phạm động, thực vật hoang dã. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển: “Để ngăn chặn triệt để tội phạm trong lĩnh vực này, đòi hỏi có sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật của nước xuất xứ, trung chuyển, tiêu thụ cuối cùng trong chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, điều tra chung và nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác”.
Cũng trong các hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng, tại Hà Nội ngày 5.12 vừa qua, nhằm hưởng ứng Ngày Tê giác năm 2019, Đại sứ quán Nam Phi đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi ”Người thay đổi nhận thức về tê giác”. Người chiến thắng là nữ giáo viên trẻ Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, với phần thưởng là chuyến đi 10 ngày sang Nam Phi vào tháng 6.2020 tham gia khám phá đường mòn hoang dã và trải nghiệm cùng tê giác, được trang bị kiến thức về việc bảo tồn tê giác để giáo dục những người khác khi trở về Việt Nam.
Nam Phi không là “miền đất hứa’’ với nhu cầu sử dụng sừng tê
Hiện nay, tại Nam Phi và nhiều quốc gia khác, cùng với việc triển khai các hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp, là việc nâng cao khung hình phạt các hành vi săn bắn, tiêu thụ ĐVHD. Theo ông MK Lekgoro – Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam: ”Mặc dù đã có những đột phá trong việc hạn chế nạn săn bắn tê giác, nhưng đây vẫn là dạng tội phạm được Nam Phi quan tâm hàng đầu, vì loài động vật này đóng một vai trò then chốt trong hệ sinh thái và du lịch sinh thái”.
Đại sứ MK Lekgoro cũng cho biết: ”Tại Nam Phi, vào cuối tháng 8.2018, tại tỉnh KwaZulu-Natal có 83 con tê giác bị săn bắn – giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, khi có 183 con tê giác bị săn bắn tại đây. Vào tháng 4.2019, Tòa án Tối cao Grahamstown tại tỉnh Eastern Cape đã tuyên án tổng cộng 500 năm tù cho nhiều đối tượng (được thực thi đồng thời, với mỗi người 25 năm tù) sau khi bị kết án với hơn 55 tội liên quan đến săn bắn tê giác trong thời gian các năm 2013 – 2016. Các công tố viên tin rằng, mức án nghiêm khắc này đã tạo tiền lệ pháp lý và đóng vai trò răn đe những kẻ săn bắn trộm tê giác tại Nam Phi. Nhờ các hoạt động chung của Cơ quan Cảnh sát Nam Phi và các đơn vị thực thi pháp luật của tỉnh, nhóm dự án các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, đơn vị K9 Vườn Quốc gia Kruger kết hợp với tình báo tội phạm và đội ứng phó chiến thuật, đã bắt giữ được nhiều vụ quan trọng trong năm 2019, bao gồm các vụ bắt giữ cựu kiểm lâm và các tổ chức bị truy nã”.
Ở Việt Nam, tê giác chỉ còn trên tem bưu chính
Theo điều tra của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), ở những năm 2011 – 2012, nhiều người Việt Nam tin rằng sừng tê giác có khả năng giải độc, giải nhiệt, hạ sốt, tăng cường sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật. Sừng tê giác còn được đồn thổi là có thể chữa ung thư hay giảm các tác dụng phụ trong điều trị ung thư. Ngoài ra, việc sử dụng sừng tê giác (cũng như cao hổ, mật gấu, vẩy tê tê) ở Việt Nam còn được xem như cách để thể hiện sự phô trương đẳng cấp cá nhân của một số người bằng việc tiêu thụ các sản phẩm quý hiếm, đắt đỏ.
Trong khi đó, thành phần chính cấu tạo nên sừng tê giác là keratin – giống thành phần cấu tạo của sừng trâu hay móng tay con người. Hơn thế, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sừng tê giác có thể chữa ung thư hay các bệnh khác. Tuy nhiên, những lời đồn thổi và sự tuyệt vọng trước bệnh tật đã gây ra nạn thảm sát tê giác trên toàn thế giới. Chính vì lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán trái phép mang lại, mạng lưới tội phạm vẫn bất chấp pháp luật để duy trì nguồn hàng đáp ứng cho nhu cầu đó.
Việc buôn bán sừng tê giác cung cấp cho thị trường Việt Nam có nguồn gốc từ các cá thể tê giác bị giết hại ở Nam Phi – một quốc gia cách Việt Nam hàng ngàn cây số. Ước tính đã có 1.215 cá thể tê giác bị giết hại trái phép trong năm 2014 và 1.175 cá thể trong năm 2015 để lấy sừng – nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia Châu Á. Đã có không ít người Việt Nam bị bắt tại Nam Phi vì tham gia săn bắn trái phép và buôn lậu sừng tê giác vào thị trường đen tại Việt Nam.
Mặc dù ở đầu năm 2010, Việt Nam đã mất đi cá thể tê giác tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đông Dương sống trong khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, và thực buồn khi đến nay, hình ảnh cá thể tê giác Java này chỉ còn trên tem bưu chính Việt Nam. Dù vậy, cùng với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, ENV đã và đang bền bỉ tổ chức tại Việt Nam nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Theo Đại sứ Nam Phi, MK Lekgoro: “Việc khởi tố thành công những đối tượng và tổ chức tội phạm liên quan đến buôn bán trái phép ĐVHD sẽ là cơ sở cho việc đấu tranh chống lại nạn buôn bán trái phép ĐVHD. Để xác định và truy tố những kẻ cầm đầu các tổ chức tội phạm đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Có 2 phương pháp tiếp cận trọng yếu trong việc này là: Cần theo dõi dòng tài chính và cần dùng đến pháp y bằng cách phân tích DNA của con vật. Nam Phi có cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất thể giới của loài tê giác trắng và đen phía nam, nên có thể xác định được nguồn gốc của những chiếc sừng do nhà chức trách Việt Nam thu giữ được. Xác định nguồn gốc của tội phạm quốc tế về cơ bản là rất quan trọng đối với việc điều tra tội phạm và truy bắt những kẻ cầm đầu các tổ chức tội phạm, chứ không chỉ đơn thuần là những người vận chuyển hoặc những kể săn trộm…’’.