Ngày 16/12, các nghị sỹ Đức đã đạt được nhất trí về hệ thống định giá đối với khí thải carbon dioxide (CO2), liên quan đến gói cải cách bảo vệ khí hậu.
Ngày 16/12, các nghị sỹ Đức đã đạt được nhất trí về hệ thống định giá đối với khí thải carbon dioxide (CO2), qua đó phá vỡ thế bế tác trong nhiều tháng qua liên quan đến gói cải cách bảo vệ khí hậu của chính phủ nước này.
Sau phiên họp kéo dài 6 giờ đồng hồ, các nghị sỹ đã nhất trí rằng từ tháng 1/2021, các doanh nghiệp sẽ phải trả 25 euro (tương đương 28 USD) cho mỗi tấn CO2 mà họ sử dụng, gấp đôi so với con số được đề xuất ban đầu. Mức thuế mới dự kiến sẽ tăng lên 55 euro/tấn CO2 (tương đương 61 USD/tấn CO2) vào năm 2025, trước khi được tích hợp vào hệ thống đánh thuế carbon trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Bước ngoặt này làm dấy lên hy vọng rằng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel có thể thông qua gói bảo vệ khí hậu trước dịp Giáng sinh. Gói cải cách này bao gồm kế hoạch giảm giá vé đường sắt, tăng thuế đi lại hàng không, vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng viện Quốc hội Đức.
Tuy nhiên, tháng trước, Thượng viện Đức (Bundesrat) đã quyết định tạm dừng thông qua một số biện pháp trong gói bảo vệ khí hậu của nước này, bao gồm kế hoạch giảm thuế đối với vé tàu và các ưu đãi tài chính cho việc cải tạo và phục hồi các tòa nhà cũ. Thượng viện Đức cho biết kế hoạch giảm thuế đối với vé tàu đường dài cần phải được thảo luận trong một ủy ban hòa giải để có thể đạt được thỏa hiệp về vấn đề phân bổ chi phí giữa Chính phủ liên bang Đức và các bang ở nước này.
Chính phủ Đức đang đặt mục tiêu tới năm 2030 giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức thải khí năm 1990. Mục tiêu này đã được nêu trong Chương trình Hành động khí hậu 2030 của Chính phủ Đức, phù hợp với các mục tiêu giảm khí thải của EU và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mục tiêu dài hạn tham vọng hơn được Thủ tướng Merkel thông báo là vào năm 2050, Đức sẽ trở thành quốc gia hoàn toàn không thải khí carbon.
Chương trình Hành động khí hậu 2030 nêu rõ các mục tiêu đặt ra đồng nghĩa với một “sự thay đổi trong lối sống và cách làm kinh tế”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc ủng hộ quá trình chuyển sang năng lượng sạch và công nghệ ít thải khí sẽ tạo “cơ hội lớn cho Đức như một đất nước của kinh doanh, cải tiến và tạo công ăn việc làm”.
Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh lượng khí thải thải vào khí quyển tiếp tục tăng lên, gây ra những cơn sóng nhiệt cũng như bão lũ như những năm gần đây, Liên hợp quốc khuyến khích các nước trên thế giới cần tiếp tục các nỗ lực của mình.
Nghiên cứu của Tổ chức môi trường Germanwatch công bố mới đây, trong năm 2018, Đức là một trong 3 quốc gia (sau Nhật Bản và Philippines) bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng khí hậu cực đoan, với thời tiết nắng nóng kéo dài, bão và khô hạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các cơn sóng nhiệt đã cướp đi sinh mạng của trên 1.200 người ở Đức.
Từ tháng 4-7/2018, nhiệt độ trung bình tăng 2,9 độ C so với thời tiền công nghiệp và đây là mức cao chưa từng có được ghi nhận trong giai đoạn này. Khô hạn kéo dài cũng đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ euro, chủ yếu do mất mùa. Theo Hiệp hội Nông dân Đức, trong năm 2018, nông dân Đức đã mất từ 50-70% sản lượng thu hoạch, thậm chí có vùng mất trắng. Tính chung, thời tiết cực đoan trong năm 2018 đã khiến Đức thiệt hại khoảng 4,5 tỷ euro.
Tuy nhiên, xét trung bình theo giai đoạn từ năm 1999-2018, Đức chỉ đứng thứ 17 trong nhóm nước thiệt hại nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Vị trí đầu tiên là Puerto Rico, Myanmar (số 2), Haiti (3), Philippines (số 4), Pakistan (số 5) và Việt Nam (số 6).