Nhiều nơi ở ĐBSCL mặn đã xâm nhập sâu nội đồng, phải cấp tốc trữ nước để giải quyết nhu cầu dân sinh, sản xuất
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (SIWRR), mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Kông đến muộn, thời gian mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy của năm ước tính chỉ ở mức trung bình thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, đang xuống ở mức cực thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN) tính từ 1980 đến nay.
Rất nghiêm trọng!
Hai yếu tố ở thượng lưu quan trọng, chi phối chủ đạo đến nguồn nước và xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô 2019-2020 ở vùng ĐBSCL là lượng nước trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (Campuchia – đầu châu thổ Mê Kông). Qua đo đạc của SIWRR, tính đến cuối tháng 11-2019, lượng nước tích trữ trong Biển Hồ khoảng 14 tỉ m3, thấp hơn gần 22 tỉ m3 so với TBNN và đang ở mức tương đương so với cùng thời kỳ năm 2015. Có thể dự đoán dòng chảy từ Biển Hồ về ĐBSCL trong mùa khô 2019-2020 rất hạn chế.
Trong khi đó, dòng chảy chính trên sông Mê Kông tại trạm Chiang Sean (cách trạm Tân Châu khoảng 2.209 km) từ đầu mùa khô đến ngày 27-11 đang ở mức thấp lịch sử. So với cùng thời kỳ năm 2018, mực nước thấp hơn 1,5 m và thấp hơn 1,3 m so với TBNN thời kỳ 1980-2018. Tại trạm Kratie, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến ngày 27-11 so với cùng thời kỳ năm 2018 thấp hơn gần 2,1 m, thấp hơn 3,3 m so với TBNN 1980-2018 và so với cùng kỳ năm 2015 vẫn thấp hơn gần 1,2 m. Như vậy, dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL trong năm thủy văn nói chung và mùa khô 2019-2020 nói riêng dự kiến ở mức thấp lịch sử. Hạn, mặn trong vùng dự báo cũng sẽ rất gay gắt, nghiêm trọng, nhất là vụ đông xuân.
Tại Vĩnh Long, độ mặn trên 5‰ đã xuất hiện tại huyện Vũng Liêm và Mang Thít từ ngày 8-12, sớm hơn mùa khô 2018-2019 khoảng 1 tháng. Trên sông Cổ Chiên tại huyện Vũng Liêm độ mặn từ 5,8-8,2‰, đặc biệt tại vàm Mang Thít (giáp huyện Vũng Liêm và Mang Thít) đã lên mức xấp xỉ 5,8‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 là 0,3‰). Trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) đạt 6,3‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 là 1,4‰).
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết theo nhận định của đài khí tượng thủy văn tỉnh này, mùa mưa năm nay kết thúc tương đương với cùng kỳ nhiều năm nhưng lượng mưa lại phổ biến ở mức thấp hơn từ 10%-30%. Khả năng XNM sẽ xuất hiện sớm, sâu hơn và tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử trong mùa khô 2015-2016. Độ mặn 4‰ trên sông Cái Lớn xâm nhập sâu khoảng 40 km trong tháng 1-2020 và tăng cao vào tháng kế tiếp. Độ mặn cao nhất sẽ xuất hiện trong suốt tháng 4 đến đầu tháng 5-2020. Những vùng sản xuất nông nghiệp được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt hạn, mặn này là vùng ven biển từ TP Rạch Giá đến TP Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, Cái Bé và các huyện vùng U Minh Thượng.
Không để dân thiếu nước
Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành kế hoạch ứng phó hạn, mặn để các ngành, các địa phương chủ động trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung rà soát lại những nơi có nguy cơ bị XNM chủ động ứng phó bằng cách nạo vét kênh mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô. Đồng thời, theo dõi tình hình diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước nội đồng để triển khai điều tra XNM trên các tuyến sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng ven biển thuộc 2 huyện An Minh và An Biên, hệ thống đê bao vùng U Minh Thượng và đê bao Ô Môn – Xà No để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
“Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai việc gia cố và đắp mới 173 con đập lớn nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 34 tỉ đồng để giúp người dân bảo vệ 2 mùa lúa chính trong năm là đông xuân và hè thu. Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch xuống giống cho từng vùng dựa trên đặc điểm nguồn nước và hướng dẫn người dân bố trí lại cơ cấu giống cây trồng hoặc trồng các loại lúa ngắn ngày. Trong trường hợp nước đầu nguồn đổ về đồng bằng thấp trong thời gian dài, chúng tôi sẽ phối hợp ngành chức năng ở tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước theo kiểu luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu và bảo vệ sản xuất” – ông Trung thông tin.
Trước tình hình như vậy, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán và XNM mùa khô 2019-2020; yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là hệ thống kinh mương ở các vùng có nguy cơ cao; chủ động bố trí ngân sách địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn.
Trồng cây chịu hạn SIWRR khuyến cáo các địa phương ĐBSCL cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa vào bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh và cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần phải xem xét, lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước. Về lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt chủ động cho các vùng xa. |