Năm 2019 thời tiết nắng nóng bất thường kèm theo hanh khô, hạn hán kéo dài xảy ra ở nhiều khu vực trên toàn quốc, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc vào tháng 4 và tháng 5; khu vực từ Thanh Hoá tới Thừa Thiên-Huế vào tháng 6 và tháng 7 nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến tháng 11 năm 2019, các tỉnh phía bắc phát hiện 5.912 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 662 vụ (tương đương 10%) so với cùng kỳ năm 2018.
Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, vi phạm chế biến gỗ, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép…
Cụ thể, hành vi phá rừng trái pháp luật tính hết tháng 11 có 1.064 vụ, tăng 298 vụ so với cùng kỳ 2018; diện tích rừng bị phá là 323 ha. Các hành vi phá rừng chủ yếu là lấy đất sản xuất nương rẫy, tập trung tại các tỉnh Sơn La 236 vụ/73,4 ha; Điện Biên 73 vụ/19,60 ha.
Hành vi khai thác lâm sản trái pháp luật có 364 vụ, giảm 39 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Một số tỉnh có số vụ khai thác trái phép được phát hiện nhiều như: Thanh Hóa 73 vụ, Lai Châu 28 vụ, Điện Biên 27 vụ.
Hành vi vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản có 115 vụ, giảm 187 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Hành vi mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật: 2.002 vụ, giảm 565 vụ so với cùng kỳ năm 2018; tịch thu 4.801 m3 gỗ các loại (2.529 m3 gỗ tròn; 2.272m3 gỗ xẻ). Hành vi vi phạm các quy định về quản lý động, thực vật hoang dã: 104vụ, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, cháy rừng tại miền Bắc đã có 202 vụ, tăng 51 vụ; gây thiệt hại 1.242,95 ha rừng, tăng 966,97 ha so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 5.410 vụ, đạt 92%; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 4.589 vụ, xử lý hình sự 75 vụ; số tiền thu nộp ngân sách là 46,54 tỷ đồng.
Về phòng cháy, chữa cháy rừng, năm 2019 thời tiết nắng nóng bất thường kèm theo hanh khô, hạn hán kéo dài xảy ra ở nhiều khu vực trên toàn quốc, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc vào tháng 4 và tháng 5; khu vực từ Thanh Hoá tới Thừa Thiên-Huế vào tháng 6 và tháng 7 nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Một số tỉnh xảy ra cháy gây thiệt hại rừng lớn gồm: Tỉnh Điện Biên 35 vụ/ 22,52 ha; Sơn La 31 vụ/ 483,82 ha; Lai Châu 69,25 ha, Quảng Trị 55 ha, Nghệ An 21 vụ/ 34,12 ha; Hà Tĩnh 18 vụ/ 187,25 ha; Quảng Bình 18 vụ/ 211,20 ha; Thừa Thiên-Huế 20 vụ/ 154,61 ha.
Loại rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng chiếm 90%; rừng tự nhiên nghèo, rừng hỗn giao tre nứa và rừng tre nứa chiếm 10%. Trong đó rừng trồng bị cháy chủ yếu là rừng trồng thông chiếm 70%, còn lại là rừng trồng keo, bạch đàn, phi lao chiếm 30%.
Trong năm 2019, các tỉnh khu vực phía bắc xảy ra 3 vụ việc chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp, cụ thể: Quảng Bình 1 vụ làm 1 Kiểm lâm bị thương, Quảng Trị 1 vụ làm 1 bảo vệ rừng chuyên trách bị thương, Thừa Thiên-Huế 1 vụ làm 1 cán bộ bảo vệ rừng bị thương. Đã khởi tố 2 vụ ở Quảng Bình, Quảng Trị.