Nhiều đảo đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải nhựa

Việt Nam có lợi thế về bờ biển dài, nhiều bãi biển và đảo đẹp thu hút nhiều khách du lịch. Nhưng việc khai thác tài nguyên thiếu quy hoạch, sự phát triển nóng về du lịch, thương mại đã khiến cho các hòn đảo lớn như Phú Quốc, Nam Du, Lý Sơn… đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều đảo đang bị bủa vây bởi rác thải.

Rác thải chồng chất ven bờ biển

Phú Quốc (Kiên Giang) được ví như hòn “đảo ngọc”, là “thiên đường du lịch” với nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ. Thế nhưng hiện nay, khi đến hòn đảo này không khó để bắt gặp hình ảnh những đống rác ngổn ngang bên đường hay những bãi tắm bị bủa vây bởi rác, trong đó chiếm phần lớn là rác thải nhựa.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tại đảo Phú Quốc, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày lên tới 300 tấn rác nhưng lại chỉ thu gom, tập kết về các bãi rác được khoảng 150 tấn (chiếm 50%).

Theo ông Lê Cảnh Tuân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sự tăng trưởng rất nhanh cũng kèm theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới phát triển bền vững của “Đảo Ngọc” này. Bằng chứng là rác tràn ngập khắp nơi trên đất liền và ven biển, các con sông bị ô nhiễm nặng và ngày càng gia tăng khi các dự án đầu tư đi vào hoạt động. Các loại nhựa, túi ni lon chất thành “núi”, một số nơi phải đốt vì không còn chỗ chứa do bãi rác Ông Lang phải đóng cửa vì quá tải. Còn con sông lớn nhất của Phú Quốc là Dương Đông đang bị “giết chết” bởi rác và nước thải…


Đảo Nam Du, Kiên Giang bị bủa vây trong rác thải sinh hoạt. Ảnh: Việt Hùng.

Cũng nằm trong hệ thống các đảo Tây Nam, Nam Du nằm phía đông huyện đảo Phú Quốc, còn khá hoang sơ và sở hữu nhiều cảnh đẹp cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Ngay cạnh cảng biển xã An Sơn, Kiên Hải (Kiên Giang) là một bãi rác. Đây là rác thải sinh hoạt của người dân được đem đổ tại bãi rác đầu chợ gần cảng.

Anh Nguyễn Việt Hùng, tác giả của cuốn sách “Du kí xanh – Hành trình cứu biển” đã có hành trình đi “săn ảnh rác” dọc bờ biển và các đảo của Việt Nam từ Bắc vào Nam cho biết, đi qua nhiều đảo, ấn tượng của anh là du khách và những người sống trên nhiều đảo đang bị bủa vây bởi rác.

“Tôi đã đi nhiều đảo từ Bắc vào Nam như Cát Bà, Ngọc Vừng, Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du… Tình trạng chung của các đảo là hoặc không có nơi đổ rác, bà con để rác ở ven đường, đốt hoặc đổ ra ven biển. Còn một số nơi có lò đốt rác như Bình Ba, Côn Đảo có lò đốt rác công suất bé nên không xử lý được triệt để, cùng với đó rác thải không được phân loại, khó ủ phân vi sinh nên người dân lại vứt rác ra bên cạnh và đốt, như vậy lại gây thêm ô nhiễm không khí”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.


Đốt rác ngay cạnh lò đốt rác ở đảo Bình Ba (Nha Trang). Ảnh: Việt Hùng.

Cần có chính sách riêng đối với chất thải nhựa

Theo bà Nguyễn Thùy Vân, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các khu du lịch biển và đảo đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nhiều khu du lịch biển (Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Phú Quốc…) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nguồn phát sinh chất thải nhựa ra biển bao gồm nguồn trên đất liền và nguồn thải trên biển. Trong hoạt động du lịch, rác thải nhựa trên đất liền được thải ra từ khách du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch (cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, cửa hàng tạp hóa, lưu niệm…).

“Theo các cuộc phỏng vấn nhanh của chúng tôi, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 – 10 túi nilon/ngày, 2 – 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần (bàn chải, lược, mũ ủ tóc, tăm bông…). Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn còn thói quen sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần, hộp xốp để gói đựng đồ cho du khách trong khi đó tỉ lệ thu gom rác thải tại các đảo còn thấp dẫn đến tình trạng rác thải “bủa vây” du khách ở nhiều nơi”, bà Nguyễn Thùy Vân cho biết.


Người dân sống chung với rác thải nhựa. Ảnh: Việt Hùng.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức trong triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải, trong đó có rác thải nhựa trên các vùng biển Việt Nam. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.

Cụ thể, diện tích rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển, ven biển khác.

Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%). Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.

Ông Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng, để giảm thiểu chất thải nhựa biển, việc sử dụng công cụ chính sách, pháp luật là biện pháp quan trọng nhất, là căn cứ thực hiện các biện pháp khác. Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng cần phải tuân thủ và tích cực thực hiện các công ước, quy định quốc tế đã được ký kết, trong đó Việt Nam là thành viên như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm do tàu bè (MARPOL); Công ước London và Nghị định thư London được xây dựng nhằm ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác, trong đó có chất thải nhựa…

Theo ông Dư Văn Toán, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan đến chất thải nhựa như Luật Bảo vệ Môi trường 2014, Luật Tài nguyên và môi trường biển và hải đảo 2015… Tuy nhiên hiện nay, chất thải nhựa được xác định là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, và có những tác động nguy hại tới môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể và văn bản nào quy định riêng cho loại chất thải đặc thù này.

Do vậy trong thời gian tới, Việt Nam nói chung và ngành du lịch cần phải có các công cụ chính sách pháp luật cụ thể, thiết thực hơn, nhằm kiểm soát ngay từ giai đoạn sản xuất đến tiêu dùng và công đoạn xử lý. Cụ thể, ban hành các quy định về áp thuế cao đối với túi nhựa, túi nilon, dụng cụ ăn uống dùng một lần; có các chính sách khuyến khích đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường và “nói không với túi nilon”; có chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ cũng như khách du lịch…

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp về kỹ thuật để xử lý “vấn nạn” rác thải nhựa như phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế và tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về giảm thiểu chất thải nhựa trong cộng đồng.