Tổng khối lượng lâm sản bị khai thác, chặt hạ (tính cả phần gốc, hộp gỗ) còn tại hiện trường là 41,267m3, trong đó, gỗ tròn có 13 lóng với 34,963m3; gỗ xẻ có 22 tấm, hộp với 6,304m3…
Sáng 12/12, Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết liên quan đến vụ phá rừng tại rừng đặc dụng Nam Ka trên địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, đến nay cơ quan công an đã làm rõ được 7 đối tượng tham gia vụ phá rừng.
Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka, Công an huyện Krông Ana đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk cùng các ngành chức năng có liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ.
Cuộc điều tra xác định tổng khối lượng lâm sản bị khai thác, chặt hạ (tính cả phần gốc, hộp gỗ) còn tại hiện trường là 41,267m3, trong đó, gỗ tròn có 13 lóng với 34,963m3; gỗ xẻ có 22 tấm, hộp với 6,304m3 và 12 gốc đều còn mới, có đường kính từ 25cm đến 130cm, chủng loại gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 nằm trên địa giới hành chính xã Bình Hòa (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).
Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã làm rõ được 7 đối tượng tham gia vụ phá rừng.
Tại cơ quan công an, đối tượng Trần Văn Ánh (sinh năm 1978, trú tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), một trong 7 đối tượng tham gia phá rừng, khai nhận lúc đầu Ánh vào rừng với mục đích cưa cây lấy phản về dùng nhưng sau đó có người đặt hàng nên tiếp tục cưa gỗ để bán.
Ngoài khối lượng gỗ tại rừng, lực lượng công an còn thu giữ 2 máy tời, 3 cưa lốc và 1 con trâu kéo gỗ tại hiện trường. Đồng thời, công an cũng thu giữ nhiều tấm phản, hộp gỗ không có giấy tờ hợp pháp tại nhà một số người dân trên địa bàn huyện Krông Ana.
Công an huyện Krông Ana nhận định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, vụ việc có dấu hiệu của tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự.
Công an huyện Krông Ana đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý 7 đối tượng trên cũng như làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng.
Trước đó, TTXVN đã liên tục thông tin về vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka và những điểm bất thường trong quá trình xác minh, xử lý vụ việc của lực lượng chức năng, đặc biệt trong vấn đề chủ rừng (Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka) không biết rừng đặc dụng bị phá cho đến khi báo chí phản ánh.