Theo kế hoạch, 260 triệu USD trong số tiền trên sẽ được dùng chi trả cho hoạt động giảm khí phát thải, 106 triệu USD còn lại sẽ được chi cho các hoạt động bảo vệ rừng.
366 triệu USD là khoản tiền mà các nước Na Uy, Đức và Anh cam kết sẽ hỗ trợ Colombia trong 5 năm tới để giúp nước này giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng ở rừng rậm Amazon thuộc phạm vi lãnh thổ của mình.
Trong số trên, riêng Na Uy chi tới 311 triệu USD.
Theo kế hoạch, 260 triệu USD trong số tiền trên sẽ được dùng chi trả cho hoạt động giảm khí phát thải. 106 triệu USD còn lại sẽ được chi cho các hoạt động bảo vệ rừng.
Kể từ năm 2015 đến nay, Na Uy, Đức và Anh đã hỗ trợ cho Colombia 180 triệu USD trong nỗ lực bảo tồn vùng rừng Amazon thuộc lãnh thổ của nước này.
Tuyên bố của 3 nước nói rõ việc tái cung cấp hỗ trợ tài chính cho Colombia là sự công nhận đối với nỗ lực bảo tồn rừng của Chính phủ Colombia.
Theo ghi nhận, tỷ lệ chặt phá rừng Amazon ở Colombia trong năm 2018 đã giảm 10% so với năm trước đó.
Việc công bố quỹ hỗ trợ trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Na Uy Ola Elvestuen nhấn mạnh nỗ lực ngăn chặn chặt phá rừng là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, do đó những nước có diện tích rừng lớn cần được nhận hỗ trợ hàng tỷ USD mỗi năm để có thể đạt được mục tiêu này.
Chính phủ Colombia đặt mục tiêu giảm diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá xuống còn dưới 155.000ha vào năm 2022 và dưới 100.000ha vào năm 2025. Nếu thành công, Colombia sẽ giảm được tới 50% tỷ lệ chặt phá rừng so với mức của năm 2018.
Bên cạnh đó, nước này cũng có kế hoạch khôi phục 200.000ha rừng đến năm 2022, bao gồm cả các vùng sinh sống của cộng đồng người thổ dân. Chính quyền Bogota cũng sẽ hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ và người chăn gia súc tìm ra cách thức sản xuất bền vững với môi trường.
Khoảng 60% diện tích rừng rậm Amazon – lá phổi Xanh của hành tinh- thuộc lãnh thổ Brazil.
Là rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon hấp thu lượng lớn khí thải CO2 trong khí quyển và quang hợp để biến loại khí gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu này thành khí O2 thiết yếu cho cuộc sống.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro lại chưa có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng đốn chặt gỗ, khai thác mỏ và các ngành sản xuất nông nghiệp, đeo dọa trực tiếp tới mục tiêu bảo vệ rừng.
Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết khoảng 2.254 km2 rừng Amazon đã bị chặt phá trong tháng 7 vừa qua.