Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về “Vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững” do UBQG UNESCO Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức mới đây là câu chuyện làm thế nào để hài hòa giữa khai thác, phát huy giá trị di sản với mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam tham gia Công ước 1972 về bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và đã tích cực thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên trong bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên. Ông Michael Croft cho rằng, UBQG UNESCO Việt Nam nên tích cực hơn nữa nhằm tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản.
Cứu vãn di sản bị xuống cấp
PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh, Công ước về việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 do UNESCO đề xướng là sáng kiến quan trọng, xuất phát từ quan điểm cho rằng việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia mà còn là nghĩa vụ chung của toàn nhân loại.
Các di sản văn hóa và thiên nhiên vẫn thường đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại do những tác động của thiên nhiên và con người, trong đó có không ít nguy cơ mang tính toàn cầu. Trong gần 70 năm tồn tại và phát triển, UNESCO đã không ngừng quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa. Cho đến nay, UNESCO đã soạn thảo và được hầu hết các quốc gia trên thế giới phê chuẩn và thực hiện 3 Công ước (và 12 Khuyến nghị) về các vấn đề thuộc lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.
Cũng theo PGS Trương Quốc Bình, vấn đề bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO. Cuộc vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam bảo tồn các di sản văn hóa Huế do UNESCO phát động tại Hà Nội từ năm 1981 đã thu được những kết quả đáng khích lệ, vừa chứng tỏ hiệu quả ủng hộ, giúp đỡ của UNESCO, vừa chứng minh cho những nỗ lực tự thân và sự sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp quốc tế của Việt Nam.
Cho đến nay, có 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam đã được công nhận là: Quần thể di tích cố đô Huế, Khu thắng cảnh Hạ Long; Khu thánh địa Mỹ Sơn; Khu phố cổ Hội An; Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Thành Nhà Hồ và Khu danh thắng Tràng An. Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam khẳng định, 8 di sản này cùng các danh hiệu khác như Công viên địa chất toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là niềm tự hào, vinh dự, góp phần quảng bá đất nước và con người; danh lam thắng cảnh lễ hội, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chia sẻ, ngay những năm đầu của thập niên 80, UNESCO phát động chiến dịch cứu vãn di tích ở Huế và vận động sự hỗ trợ quốc tế, thông qua Nhóm Công tác Huế – UNESCO và UBQG UNESCO Việt Nam để kêu gọi sự quan tâm của các cộng đồng trong và ngoài nước nhằm cứu vãn Quần thể di tích Huế thoát khỏi sự xuống cấp nguy hại do chiến tranh, thời gian và sự thiếu ý thức của con người gây ra.
“UBQG UNESCO Việt Nam được xem là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất để Huế có được những Di sản được công nhận đáng tự hào như ngày hôm nay…”, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết.
Cân bằng phát triển và bảo tồn
Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo, PGS.TS Trương Quốc Bình cho rằng có hiện tượng “tận thu” sau khi di sản được vinh danh. Ông chia sẻ không đồng tình với quan điểm nói cùng là di sản thế giới nhưng khách tới không đông nên mỗi năm thu chỉ vài chục tỉ đồng. Theo PGS Trương Quốc Bình, quan niệm như thế là không được, có danh hiệu để làm tiền hay sao. Di sản là tài sản của quốc gia và dân tộc, các địa phương được giao nhiệm vụ quản lý chứ không thể coi đó là nguồn thu cho địa phương được. Ông chia sẻ không phản đối chuyện khai thác giá trị từ di sản, nhưng không thể đặt mục tiêu tận thu từ di sản.
Nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cũng đang phải đối mặt không ít ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến đổi khí hậu, đặc biệt sự phát triển xã hội. Một thách thức lớn nhất mà Việt Nam và nhiều quốc gia sở hữu di sản thế giới phải đối mặt là cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Đại diện BQL các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cũng nêu những vướng mắc, kiến nghị từ thực tế.
BQL Vịnh Hạ Long chia sẻ đã nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trước những đánh giá hằng năm khá khắt khe của Ủy ban Di sản thế giới đối với việc bảo tồn danh hiệu di sản, trong bối cảnh nhu cầu khai thác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, quá trình bảo vệ di sản diễn ra trong điều kiện phát triển đô thị và công nghiệp gia tăng, yêu cầu về duy trì quản lý du lịch bền vững, giảm tác động của biến đổi khí hậu… dẫn đến nhiều khó khăn. Vịnh Hạ Long là khu di sản biển đảo rộng lớn, nhiều tiềm năng, nhạy cảm về cảnh quan, môi trường tự nhiên; là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế – xã hội đa ngành…
Đại diện BQL Thành Nhà Hồ cho rằng cần có đánh giá thực tế về tính khả thi của các cam kết trong hoạt động quản lý di sản. Khi đệ trình hồ sơ, thường quốc gia thành viên có cam kết để thỏa mãn những khuyến nghị của UNESCO, nhưng sau khi di sản được công nhận thì quốc gia thành viên gặp khó. Ví dụ, nếu thực hiện cam kết về con đường Hoàng Gia thuộc di sản Thành Nhà Hồ thì buộc phải di chuyển cả thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Trước những khó khăn, nhiều giải pháp đã được chia sẻ, đề xuất, bà Nguyễn Thị Yến (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội) nói rằng, các nước phát triển đều quan tâm các hoạt động giáo dục ở bảo tàng và di tích. Trung tâm đã xây dựng các chương trình giáo dục di sản như “Em làm nhà khảo cổ”, thi tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long dành cho học sinh. Đại diện này cho rằng, muốn cộng đồng và thế hệ trẻ yêu và bảo vệ di sản, các BQL di sản cần thay đổi quan điểm về học tập ngoại khóa theo hướng không đi theo phong trào. Phương pháp giáo dục di sản cần đổi mới, tăng hoạt động trải nghiệm, tương tác và khơi gợi sự sáng tạo.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đề xuất cần tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực về bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai và quản lý rủi ro thảm họa; đồng thời áp dụng công nghệ số hóa trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại diện BQL Quần thể Danh thắng Tràng An chia sẻ hiệu quả từ mô hình hợp tác công tư trong quản lý, khai thác ở quần thể danh thắng này. “Đây là một mô hình còn khá mới, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch, do đó việc triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư trong khu di sản, chúng ta tiếp tục phải bảo tồn nguyên vẹn và bền vững các giá trị của di sản“, đại diện BQL Quần thể Danh thắng Tràng An nói.
PGS.TS Trương Quốc Bình lưu ý việc cần tăng vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu xảy ra sai phạm. Nhắc lại vụ xây cầu dẫn lên núi xâm hại di sản thế giới danh thắng Tràng An hay các sai phạm khác tại vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), ông cho rằng, luật pháp trong lĩnh vực di sản văn hóa không nghiêm khắc, bởi thực tế chưa có vụ án hình sự nào trong lĩnh vực văn hóa và di sản.