“Trái đất đã mất nhiều triệu năm để có được hệ sinh thái hoàn thiện. Vì thế những gì đã mất đi là rất khó để hồi phục. Hậu quả của suy giảm đa dạng sinh học thậm chí còn nghiêm trọng hơn biến đổi khí hậu”. Đó là những cảnh báo của Giáo sư Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần.
Thưa Giáo sư, ở phạm vi toàn cầu, suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) đã và đang là vấn đề nóng, nghiêm trọng không kém biến đổi khí hậu (BĐKH)?
Khi còn đương nhiệm Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-mun đã nhấn mạnh: “Phải đặt ĐDSH ở mức ưu tiên cao hơn trong tất cả các quá trình đưa ra quyết định và trong tất cả các ngành kinh tế. ĐDSH phải là nền tảng để xây dựng các mục tiêu khác, chứ ĐDSH không thể là một ý tưởng nảy ra sau khi các mục tiêu khác đã được quyết định. Chúng ta cần một tầm nhìn mới về ĐDSH cho một hành tinh khỏe mạnh và một tương lai bền vững của nhân loại”. Năm 1993, Liên hợp quốc đã chọn ngày 22-5 là Ngày Quốc tế về ĐDSH nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về vấn đề này. ĐDSH được xem như nguồn “hàng hóa” thiết yếu, nguồn cung cấp dịch vụ sinh thái, và là nguồn sống cho con người. Vài thập niên gần đây đã tồn tại khái niệm “an ninh phi truyền thống”; trong đó có vấn đề suy giảm ĐDSH – môi trường sinh thái suy kiệt. Nếu ví hệ sinh thái như một chiếc xe hơi, thì mỗi loài thực vật, động vật đều giữ vai trò như một chi tiết của chiếc xe hơi đó. Chỉ thiếu một chiếc ốc vít thôi, là đã đe dọa đến sự an toàn khi chiếc xe vận hành. Nên, để duy trì được sự sống, sự phát triển bền vững, thì mối quan hệ giữa loài người và các loài sinh vật, thực vật khác phải là mối quan hệ cộng sinh.
Một thời gian dài, con người đã có những đánh giá không đúng về vai trò của ĐDSH. Nhưng gần đây, thế giới đã nhìn nhận lại, và đặt vấn đề ĐDSH song song với BĐKH.
Nước ta được thế giới đánh giá là một trong 16 quốc gia có ĐDSH cao và cũng là quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn có tính toàn cầu. Từ khi có đánh giá này, đến nay cũng đã hơn hai mươi năm. Vậy trong thời gian đó, ĐDSH của Việt Nam đã có những biến động gì, thưa Giáo sư?
Các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, văn hóa của đất nước. ĐDSH đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực, duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Việc gia tăng dân số và mức tiêu dùng là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên sinh vật. Sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên, chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã. Việc xây dựng nhiều đập nước đã ngăn chặn đường di cư của nhiều loài cá. Việc tăng nhanh độ che phủ của rừng là một tín hiệu tốt, nhưng cũng nên chú ý là một nửa diện tích rừng tăng lên là rừng trồng và rừng phục hồi, nên giá trị đa dạng sinh học không cao. Trong khi đó rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều và vẫn tiếp tục bị suy giảm.
Cháy rừng, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là ba yếu tố khiến ĐDSH của nước ta suy giảm nghiêm trọng. Rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, có khi trong một tháng mà xảy ra 200 vụ phá rừng. Sáu tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng. Còn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chỉ từ năm 2012 đến năm 2017, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha, trong đó gần 19 nghìn ha là rừng tự nhiên. 89% diện tích rừng tự nhiên của ta bị mất là do chuyển mục đích sử dụng rừng, chỉ 11% do phá rừng trái pháp luật. Đến nay, toàn bộ các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn của nước ta chỉ chiếm khoảng 7,5% diện tích đất liền.
Chúng ta có nên so sánh giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất quá mức cần thiết và những vấn đề về thiên tai, ô nhiễm, bệnh tật con người đang phải gánh chịu do suy giảm ĐDSH gây ra?
Tôi muốn nhắc đến Bhutan, một đất nước nhỏ bé, cũng không phải là quốc gia phát triển, nhưng họ vẫn an lạc và hạnh phúc, vì họ biết sống nương vào tự nhiên, và ý thức được con người là một phần của tự nhiên.
Khi vai trò của ĐDSH được đặt song song với BĐKH, thì kịch bản đối với suy giảm ĐDSH là gì?
Mới đây, trong một hội thảo quốc tế về một số vấn đề an ninh phi truyền thống, tôi có đề cập đến kịch bản đối với suy giảm ĐDSH. Trong khoảng 300 năm qua, rừng trên Trái đất đã giảm tới 40% diện tích. Rừng nhiệt đới chỉ chiếm 7% diện tích nhưng giữ đến 70% giá trị ĐDSH trên toàn cầu. Ấy vậy mà, rừng nhiệt đới đã mất 80% và hằng năm vẫn mất 0,7% đa dạng. Con người đã sử dụng hết ba phần tư trữ lượng tài nguyên của Trái đất. Khi hệ hỗ trợ cho sự sống bị suy thoái, bị cạn kiệt, thì loài người sống như thế nào?
Đối với một hệ sinh thái hoàn thiện, những gì đã mất đi là vô cùng khó hồi phục. Nhiều nhà khoa học thế giới đã cảnh báo, con người chỉ tồn tại được đến cuối thế kỷ này, kỳ đại tuyệt chủng lần thứ sáu đã bắt đầu từ năm 2017… Nói điều đó thì hơi khủng khiếp, nhưng đó sẽ là sự thật nếu loài người chúng ta không thay đổi.
Xin cảm ơn Giáo sư !