Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ ngành và tổ chức quốc tế xây dựng cơ chế đấu thầu để báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành làm cơ sở thực hiện các dự án còn lại.
Bộ Công Thương yêu cầu trong tháng 01/2020 EVN phải rà soát, đánh giá các khu vực lưới điện 110kV có khả năng phát triển và giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021 để phục vụ cho công tác đấu thầu các dự án điện mặt trời.
Đề xuất đấu thầu các dự án điện mặt trời từ 50-100 MWp trong năm 2020
Bộ Công Thương vừa đưa ra Tờ trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, các dự án điện mặt trời có giá mua thấp hơn Quyết định 11/TTg. Giá điện mặt trời trên mái nhà có giá cao nhất, với mức 1.916 đồng/kWh, tương đương với 8,38 cent/kWh.
Cụ thể, về dự án điện mặt trời nối lưới, sẽ điều chỉnh theo hướng dự án có hợp đồng mua bán điện được ký trước ngày 22/11/2019 đã và đang triển khai thi công xây dựng và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng biểu giá mua điện của các dự án tại điểm giao nhận. Trong đó, dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh (tương đương 7,69 cent/kWh); dự án điện mặt trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh). Với giá điện mặt trời trên mái nhà, sẽ áp dụng chung là 1.916 đồng/kWh, tương đương với 8,38 cent/kWh.
Tính đến cuối tháng 11/2019, đã có 19.378 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên toàn quốc, có tổng công suất là 318 MW tập trung tại phía Nam với 73% hệ thống.
Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương về lập danh sách các dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện đến hết ngày 22/11/2019 đã và đang triển khai thi công, xây dựng, báo cáo Thủ tướng.
Đối với việc đấu thầu thí điểm dự án điện mặt trời theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ ngành và tổ chức quốc tế xây dựng cơ chế đấu thầu để báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành làm cơ sở thực hiện các dự án còn lại. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện chương trình đấu thầu thí điểm điện mặt trời trong năm 2020. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị mua điện và cung cấp điện cho cộng đồng nên sẽ thực hiện tổ chức đấu thầu mua điện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Về phương thức, EVN sẽ chọn 1 vị trí dự án tiềm năng tổ chức đấu thầu mua điện tại vị trí này theo quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu và các quy định liên quan. Việc đấu thầu dự kiến tương đương sản lượng điện của 50-100 MWp.
Về các vị trí dự án tiềm năng, theo các cơ quan quản lý, do áp dụng cơ chế đấu thầu hiện nay khó khăn trong bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị hạ tầng, nên chương trình đấu thầu thí điểm được triển khai tại hồ thuỷ điện. Bộ Công Thương đề nghị xem xét phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời để áp dụng từ ngày 01/7/2019. Đồng thời, kiến nghị giao EVN xây dựng phương án và kế hoạch tổ chức đấu thầu báo cáo Bộ Công Thương xem xét và báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong quý I/2020, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Sẽ tháo gỡ mọi khó khăn, bất cập?
Đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, từ sau ngày 30/6/2019 tới nay, chỉ có 2 dự án điện mặt trời hoàn tất điều kiện vận hành thương mại (COD) là Nhà máy Hacom Solar (40,3 MW) và Solar Park 01 (40 MW).
So với hơn 4.000 MW điện mặt trời được đưa vào hệ thống từ tháng 4 đến hết tháng 6/2019, đã có sự chững lại trong việc triển khai các dự án điện mặt trời. Theo nhiều nhà đầu tư, lý do là chưa có giá mua điện mặt trời mới cho thời điểm sau ngày 1/7/2019.
Đáng nói là, cơn sốt điện mặt trời càng tiếp tục hạ nhiệt mạnh khi tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, các dự án điện mặt trời mới phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin – cho.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020 – 2025.
Với ưu điểm thời gian xây dựng rất nhanh, chỉ cần 4 – 6 tháng có thể hoàn thành dự án điện mặt trời công suất 50 – 100 MW, việc phát triển các dự án điện mặt trời là giải pháp khả thi để đảm bảo cung cấp đủ điện cho giai đoạn 2020 – 2025.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, nhiều ý kiến lo ngại, việc chuyển sang hình thức đấu thầu sẽ kéo dài thời gian thực hiện các dự án điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, bởi theo kinh nghiệm quốc tế, công tác đấu thầu cần thời gian thực hiện khoảng hơn 2 năm, trong khi khả năng thiếu điện đã cận kề.
Nói về cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời, ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Đô Ninh Thuận cho hay, đấu thầu để đảm bảo mục tiêu minh bạch, công khai là tốt, nhưng mục tiêu trước mắt là phải có điện để sử dụng. Hơn nữa, Luật Đấu thầu quy định, muốn thực hiện đấu thầu, phải có mặt bằng sạch, mà muốn có đất sạch thì phải có quy hoạch.
“Hơn 10 tháng nay, tất cả các quy hoạch đều bị dừng lại, không thể triển khai. Bao giờ có quy hoạch thì mới triển khai công tác giải phóng mặt bằng, có đất sạch bàn giao thì chủ đầu tư mới có cơ sở để thực hiện dự án mời thầu, nghĩa là cần không ít thời gian mới xong các công đoạn này”, ông Vinh nói.
Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng, Ban Năng lượng, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, việc lựa chọn phương án đấu thầu không phải “cây đũa thần” mang tới phép màu.
Thay vào đó, chuẩn bị mới là công đoạn quan trọng nhất để đảm bảo tính minh bạch của quy trình, cũng như chất lượng các dự án, giúp điện mặt trời và ngành năng lượng tái tạo có bước phát triển bền vững.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng hình thức đấu thầu giúp nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đưa giá điện mặt trời giảm đáng kể so với mức giá mua ưu đãi.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ…
Cùng chung quan điểm, ông Oliver Behrend, chuyên gia đầu tư cao cấp, Bộ phận Cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, không nên quá ám ảnh về vấn đề đấu thầu, bởi nhiều dự án đấu thầu thành công, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Cần áp dụng quy chế này với một loạt quy trình rà soát từ trước để đảm bảo hiệu quả.