Những tàn tro nếu rơi xuống các bể chứa nước ngọt ở Sydney có thể dẫn tới hiện tượng tảo độc nở hoa, khi phân hủy chúng sẽ sử dụng hết lượng oxi gây ra nguy cơ cá chết hàng loạt.
Hàng loạt lớp tro đen từ các đám cháy rừng đã khiến những bãi biển nước xanh trong ở thành phố Sydney của Australia trở nên loang lổ với những lớp bùn than đặc quánh.
Giới chuyên gia lo ngại hiện tượng này có thể làm ô nhiễm nguồn cung nước sinh hoạt của thành phố cảng.
Trả lời phỏng vấn đài SBS ngày 9/12, nhà sinh thái học Emma Johnston thuộc Đại học bang New South Wales nhấn mạnh lo ngại nói trên liên quan tới việc những bụi tro đen có thể bay vào các bể hứng nước ngọt khi trời mưa.
Bà Johnston cho rằng những địa điểm nước mặn không phải là nơi người dân cần quan ngại. Điều đáng ngại là khi người dân uống nước ngọt bị ô nhiễm và có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
Với hơn 2 triệu hécta đất hoang đầy bụi rậm đã bị thiêu rụi và hơn 10 đám cháy khác vẫn đang tiếp tục hoành hành trên toàn bờ biển phía Đông Australia, nhà sinh thái học Johnston lý giải nếu những tàn tro trên rơi xuống các bể chứa nước ngọt ở Sydney, tích tụ, có thể dẫn tới hiện tượng tảo độc nở hoa, khi hoa tảo bắt đầu quá trình phân hủy, chúng sẽ sử dụng hết lượng oxi và làm giảm môi trường oxi sinh tồn của cá, gây ra nguy cơ cá chết hàng loạt.
Trong số những vùng chịu hạn hán kỷ lục cũng như nguồn cung nước sinh hoạt giảm sút, khu vực Greater Sydney và Illawarra sẽ phải hạn chế sử dụng nước cấp độ 2 trong ngày 10/12. Theo đó, tất cả cư dân không được sử dụng các vòi tưới trong vườn.
Người dân cũng phải sử dụng xô hoặc can đựng nước cho việc rửa xe hoặc cây thủy sinh.
Các cá nhân vi phạm lệnh hạn chế này sẽ phải nộp phạt 220 AUD (150 USD), trong khi các doanh nghiệp có thể bị xử phạt tới 550 AUD (375 USD).
Nhà chức trách dự đoán việc áp dụng hạn chế sử dụng nước cấp độ 2 có thể giúp tiết kiệm khoảng 78,5 gigalit nước.
Bộ trưởng Bộ Nước, Tài sản và Nhà ở bang New South Wales, bà Melinda Pavey cho biết hơn 85% nguồn cung nước của khu vực Greater Sydney thu được từ việc hứng nước mưa.
Tuy nhiên, tình hình hạn hán hiện nay khiến mực nước tại các đập ở mức thấp chưa từng có kể từ đợt hạn hán thiên niên kỷ những năm 2000.
Kể từ khi bùng phát tháng 11 vừa qua, cháy rừng đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, gây thiệt hại cho hơn 680 ngôi nhà và thiêu rụi hơn 1 triệu hécta rừng tại miền Đông Australia.
Cháy rừng tại Australia không phải là hiếm thấy. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết năm nay hạn hán kéo dài và điều kiện khí hậu bất thường do toàn cầu ấm lên là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng xảy ra sớm hơn với cường độ mạnh.