Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy định đối với việc sử dụng tấm màng phủ bằng nhựa trong nông nghiệp, vốn được xem là một nguồn gây ô nhiễm đất lớn tại các khu vực miền Bắc và miền Tây nước này.
Theo một dự thảo chính sách được Bộ Nông nghiệp công bố ngày 6/12, các quy định mới này, được đưa ra tham vấn cộng đồng, sẽ bao gồm việc thiết lập một “hệ thống quản lý” toàn diện trên các hoạt động sản xuất, buôn bán, sử dụng và tái chế tấm màng phủ bằng nhựa mỏng tại vùng nông thôn.
Các quy định mới sẽ buộc nông dân chỉ sử dụng tấm màng phủ đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, và họ cũng phải có trách nhiệm thu gom rác thải nhựa trên đồng ruộng trước khi chúng hết hạn sử dụng và được chuyển tới các đơn vị tái chế. Người nông dân cũng được khuyến khích tái sử dụng các tấm màng phủ cũ.
Nông dân Trung Quốc, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Tây nước này vốn có đất đai khô hạn, sử dụng những tấm màng phủ bằng nhựa để che phủ đồng ruộng nhằm giúp duy trì độ ẩm, tăng nhiệt độ cho đất, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh.
Kỹ thuật này đóng vai trò quan trọng giúp làm tăng sản lượng và chất lượng cây trồng như bông, ngô và lúa mì.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh việc loại vật liệu nhựa không phân hủy này bị lạm dụng và không được tái chế hợp lý đã dẫn tới tình trạng “ô nhiễm trắng” tại một số khu vực đang ngày càng trở nên tồi tệ và trở thành một vấn đề môi trường lớn, kéo lùi mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh.
Ước tính mỗi năm ở Trung Quốc lại có khoảng 2 triệu tấm màng phủ bằng nhựa được sử dụng để che phủ 200.000 km2 đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ có 180.000 tấn màng phủ này được tái chế. Nếu không được thu gom, rác thải nhựa chứa độc tố có thể phá hủy cấu trúc đất, ngăn chặn sự phát triển của cây trồng, từ đó làm giảm năng suất trồng trọt.
Bắc Kinh đang đặt mục tiêu cải tạo khoảng 90% diện tích đất canh tác nhiễm bẩn trở lại an toàn cho nông nghiệp vào cuối năm 2020 trong nỗ đảm bảo an ninh lương thực.