Theo một tuyên bố được Viện quản lý nước Quốc tế (IWMI) và hơn 700 chuyên gia toàn cầu ký và đăng trên Tạp chí Nature mới đây, quản lý sai cách nguồn nước ngầm ở cấp độ toàn cầu đang đe dọa tới nước cho sinh hoạt, sản xuất thực phẩm và triển vọng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nước ngầm cung cấp hơn 40% lượng nước sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp của thế giới, hỗ trợ các khu vực đối phó với nạn hạn hán ngày càng trầm trọng hơn, và là nguồn nước uống cho hai tỷ người. Hàng triệu nông hộ nhỏ có thu nhập thấp ở các vùng khô cằn và bán khô cằn dựa vào nguồn nước ngầm để canh tác trong thời gian hạn hán, do đó, nước ngầm được xem là một trong những giải pháp tốt nhất của tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.
Nước ngầm chiếm 99% lượng nước ngọt của trái đất nhưng các chuyên gia cảnh báo nguồn tài nguyên này đang bị đe dọa ở nhiều nơi do nạn khai thác quá mức và ô nhiễm gia tăng, chủ yếu là do thiếu hiểu biết, quy hoạch sử dụng đất và quản lý nước yếu kém.
Tổng giám đốc IWMI Claudia Sadoff cho biết: “Nước ngầm thường không được chú ý nên chúng ta hay lạm dụng theo những cách gây tác động tiêu cực tới các hệ sinh thái và những người dễ bị tổn thương nhất. Nếu để nước ngầm tiếp tục bị suy thoái hoặc cạn kiệt, chúng ta khó mà thích ứng được với nạn hạn hán và lũ lụt ngày càng tăng. Do khai thác quá độ và quản lý nước ngầm sai cách, chúng ta sắp phải đối mặt với mối nguy hiểm thực sự về thực phẩm và nước uống. Các tác động diễn ra ở cấp độ toàn cầu”.
Hơn 700 nhà khoa học, các học viên và chuyên gia từ hơn 75 quốc gia trên thế giới hiện ký vào tuyên bố này, nhấn mạnh những rủi ro cho 1,7 tỷ người sống dựa vào trữ lượng nước ngầm đang ngày càng thiếu hụt do bị sử dụng vô độ.
Tuyên bố kêu gọi ba hành động:
1) Chú ý đến sự bền vững nguồn nước ngầm toàn cầu thông qua Báo cáo của Liên hợp quốc về Phát triển nguồn nước của thế giới và Hội nghị thượng đỉnh nước ngầm toàn cầu trong năm 2022 – năm nước ngầm sẽ là trọng tâm chính của Ngày Nước Thế giới.
2) Cam kết quản lý và quản trị nước ngầm bền vững từ cấp địa phương đến quy mô toàn cầu bằng cách áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững vào năm 2030.
3) Đến năm 2030, đầu tư vào quản lý và quản trị nước ngầm bằng cách thực hiện kế hoạch nước ngầm bền vững cho các tầng chứa nước đang bị khai thác quá độ. Điều này ccó nghĩa là đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nâng cao năng và nhận thức, đồng thời phát triển hệ thống giám sát, báo cáo và quản lý tốt hơn.