Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt trên sông Chanh đoạn chảy qua các xã Khánh Hoà, Khánh Phú và Khánh An, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) mà Lao Động đã phản ánh vào đầu tháng 11.2019, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm khiến cá chết.
Ngày 6.12, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, cử tri đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cho biết nguyên nhân khiến tình trạng cá chết hàng loạt nổi trắng trên sông Chanh đoạn chảy qua các xã Khánh Hoà, Khánh Phú và Khánh An, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) vào những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11.2019 vừa qua.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, sau khi hiện tượng cá chết xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Yên Khánh kiểm tra hiện trạng môi trường nước kênh điều hòa KCN Khánh Phú và nước sông Chanh thuộc địa bàn 3 xã Khánh Phú, Khánh Hòa và Khánh An (huyện Yên Khánh).
Đoàn kiểm tra đã lấy 19 mẫu nước tại các khu vực cá chết để phân tích, đánh giá chất lượng. Kết quả phân tích mẫu nước tại các khu vực này bị ô nhiễm bởi: Hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) cao gấp từ 1,19–1,68 lần; nhu cầu ôxy hóa học (COD) cao gấp từ 2,47–5,64 lần; nồng độ amôni cao gấp từ 1,96–15,03 lần; lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn giá trị tối thiểu cho phép từ 1,07–2,38 lần Quy chuẩn môi trường Việt Nam.
Ngày 4.11.2019, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, BQL các KCN tỉnh, UBND huyện Yên Khánh và các xã tập trung rà soát các điểm xả thải, chủ động phát hiện các hiện tượng gây ô nhiễm trên địa bàn, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm từ đâu khiến cá chết. Hiện UBND tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục giao Sở TNMT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để nguồn nước bị ô nhiễm; xác định, giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải và chất lượng nước thải ra môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong KCN Khánh Phú.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 31.12.2019” – ông Ngọc nói.
Cũng tại phiên chất vấn, đại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: Qua các tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh, có thể khẳng định Nhà máy Đạm Ninh Bình là đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhất trong KCN Khánh Phú. Nhà máy chưa thực hiện đúng các nội dung đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
“Lượng nước thải chứa các chất không được thu gom xử lý đúng quy định, nhất là nước thải chứa hàm lượng NH3 (của Nhà máy Đạm Ninh Bình – PV) cao hơn nhiều lần so với quy định, nhất là ở khu vực nhà kho và cầu. Qua quá trình rò rỉ, chảy ra hệ thống thoát nước, thoát nước mặt là một trong những nguyên nhân chủ yếu và phổ biến gây ô nhiễm môi trường. Sau khi tiến hành xác minh, điều tra, có kết quả sẽ xử lý nghiêm”, đại tá Sơn nói.