Thị trường trái phiếu xanh trị giá 200 tỷ USD dự kiến được thúc đẩy khi EU ngày 5/12 đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc mới quản lý các sản phẩm tài chính có thể được gọi là “xanh” và “bền vững”.
Theo thỏa thuận trên, tất cả các sản phẩm tài chính được xếp vào hàng “xanh” hay “bền vững” sẽ được phân loại thành ba mức, với yêu cầu công khai chính xác tỷ lệ đầu tư nào là thân thiện với môi trường.
Nhà lập pháp khi Liên minh châu Âu (EU), Bas Eickhout, nhận định với những quy định đáng tin cậy về đầu tư bền vững, EU sẽ dẫn đầu thế giới về tài chính bền vững.
Các tổ chức môi trường đã liên tiếng hoan nghênh thông báo của EU và cho rằng động thái trên là một bước đi đúng hướng.
Trong một diễn biến liên quan, một số ngân hàng lớn nhất của châu Âu đang chịu sức ép từ các nhóm bảo vệ môi trường với lời kêu gọi chấm dứt tất cả các khoản cho vay đối với những dự án phát triển nhà máy điện than mới.
Lời kêu gọi trên được đưa ra giữa bối cảnh Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP 25), đang diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, với sự tham gia của 190 quốc gia.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm ngoái cho rằng gần như tất cả các nhà máy điện than sẽ cần phải đóng cửa vào giữa thế kỷ này, để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, phù hợp với mà các nhà khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Tuần trước, ngân hàng UniCredit của Italy đã cam kết ngừng tất cả các khoản cho vay đối với các dự án than nhiệt vào năm 2023.
Trong tháng này, BNP Paribas cũng cho biết sẽ ngừng cấp vốn cho ngành than nhiệt tại EU vào năm 2030 và trên toàn thế giới vào năm 2040.
Trong khi đó, Deutsche Bank cũng thông báo kể từ năm 2016, ngân hàng này không còn cấp tài chính trực tiếp hay gián tiếp cho hoạt động xây dựng các nhà máy điện than mới hay các dự án khai thác than nhiệt mới.