COP 25 kết thúc tuần đàm phán đầu tiên mà không đạt được gì

Hội nghị Khí hậu thế giới COP 25 đã đi được nửa chặng đường và kết thúc tuần đàm phán đầu tiên hôm 7.12 mà chưa đạt được kết quả nào.

Với áp lực buộc các quốc gia phải làm nhiều hơn là chỉ đàm phán các quy tắc, Chile và Tây Ban Nha – nước chủ nhà COP 25 – đã hy vọng hội nghị này sẽ tập hợp một nhóm các quốc gia sẵn sàng tiến lên và nâng cao các mục tiêu khí hậu của họ.

Chủ tịch COP 25 Carolina Schmidt (trái) và Thư ký Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu Patricia Espinosa. Ảnh: UNFCCC

Chủ tịch COP 25 Chile đã lên kế hoạch đi đầu bằng cách tuyên bố “đóng góp mới được xác định” của nước này tại hội nghị. Nhưng vào ngày 6.12, một quan chức chính phủ nói với trang Climate Change News rằng kế hoạch đã bị trì hoãn, có thể cho đến năm sau.

Khi các cuộc đàm phán về “các khung thời gian chung” đã kéo dài đến cuối tuần qua, các quốc gia đã không đạt được thỏa thuận thậm chí từ xa về việc những cam kết khí hậu trong tương lai sẽ kéo dài bao lâu. Một kết luận dự thảo cho thấy tám lựa chọn riêng biệt vẫn còn trên bàn, từ 5 năm đến 10 năm và nhiều phương án hỗn hợp khác nhau của cả hai.

Theo Yamide Dagnet từ Viện Tài nguyên Thế giới, chương trình nghị sự chính thức dành thời gian rất ít để các nước đạt được tiến bộ về vấn đề này.

“Có ích gì khi phải chờ đợi 5 năm để đưa ra quyết định về chu kỳ 5 năm tại thời điểm khẩn cấp về khí hậu?” – Yamide Dagnet nói.

“Australia là một trong những quốc gia tranh luận để thúc đẩy các cuộc đàm phán về khung thời gian chung cho đến năm 2023. Nhưng đó không phải là ưu tiên của họ tại COP 25” – Richie Merzian, Viện Australia cho biết. Những gì họ thực sự muốn, ông nói, là để các chính phủ khác bỏ qua thực tế họ là quốc gia duy nhất có kế hoạch sử dụng các khoản tín dụng được thực hiện từ Nghị định thư Kyoto để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Uỷ ban cấp cao Kinh tế Đại dương bền vững công bố một báo cáo hôm 6.12 cho thấy biến đổi khí hậu sẽ tàn phá nghề cá và gây thiệt hại doanh thu du lịch rạn san hô trên 90%.

Trong một diễn biến có liên quan, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua luật khí hậu mới vào ngày 6.12 với một số mục tiêu táo bạo. Luật mới cam kết đạt được mức cắt giảm 70% khí thải xuống dưới mức năm 1990 vào năm 2030, đạt được mức phát thải bằng không vào năm 2050 và thực hiện hành động khí hậu trên trường quốc tế – bao gồm cả tài chính khí hậu.

Luật đặt ra một hướng đi rõ ràng, hướng tới sự chuyển đổi xanh của Đan Mạch trong tương lai, Mattias Söderberg, một nhà vận động tại DanChurchAid nói. “Luật về khí hậu cũng gửi một tín hiệu quan trọng đến phần còn lại của thế giới rằng Đan Mạch đang đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi quá muộn, ông nói.