Tính đến cuối thế kỷ này, mỗi năm thế giới sẽ có khoảng 50 triệu người có nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nếu các chính phủ không nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.
Tính đến cuối thế kỷ này, mỗi năm thế giới sẽ có khoảng 50 triệu người có nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nếu các chính phủ không nỗ lực để giải quyết tình trình biến đổi khí hậu khiến tình trạng lũ lụt tại các con sông gia tăng.
Đây là lời cảnh báo của các nhà khoa học khi nhận định về hệ lụy của môi trường do biến đổi khí hậu gây ra.
Tác giả công trình nghiên cứu, ông Justin Ginnetti cho rằng con số trên lớn gấp 5 lần so với trung bình 10 triệu người mất nhà cửa mỗi năm trong giai đoạn từ giữa những năm 1970 đến năm 2005.
Theo nghiên cứu trên, tình trạng trên xảy ra do lượng mưa gia tăng cùng với băng tan trên các đầu cực gây ra lũ lụt thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến sự gia tăng của tình trạng lũ lụt này.
Giám đốc bộ phận phân tích và dữ liệu thuộc Trung tâm giám sát sự dịch chuyển nội địa (IDMC), có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết những dự báo trên chỉ là một phần của bức tranh, trong đó lũ lụt là nguyên nhân chiếm tới hơn một nửa sự dịch chuyển của con người liên quan đến biến đổi khí hậu.
Theo IDMC, số người bị mất nhà cửa do lũ lụt có thể hạn chế ở con số 20 triệu/năm nếu các chính phủ tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đã thỏa thuận trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng những nỗ lực nhằm giảm mức tăng nhiệt độ của trái đất xuống còn 1,5 độ C đang suy giảm, trong khi lượng khí thải carbon lại đang có xu hướng tăng lên.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Ginnetti khẳng định sự dịch chuyển nơi ở do biến đổi khí hậu gây ra đang đặt ra một thách thức lớn trên toàn cầu.
Ông nói: “Chúng tôi dự đoán thời tiết khắc nghiệt hơn nữa trong tương lai, và vì vậy nó bắt buộc chúng ta phải hiểu được mức độ rủi ro trong tương lai. Chúng ta có thể làm gì để tác động đến nó?”
Cùng với tình trạng lũ lụt, hôm 2/12, Tổ chức viện trợ Oxfam cũng công bố báo cáo cho biết thời tiết cực đoan cùng với tình trạng cháy rừng ngày càng nghiêm trọng đã khiến mỗi năm trên thế giới có hơn 20 triệu người mất nhà trong thập kỷ qua, và vấn đề sẽ càng trở nên tồi tệ nếu các nhà lãnh đạo không hành động nhanh chóng để chống lại các mối đe dọa đang ngày càng khốc liệt của khí hậu.
Những hành động tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do lũ lụt là chính sách quy hoạch đô thị , trong đó không cho phép xây dựng nhà cửa trên các lưu vực sông và đầu tư nhiều hơn vào việc thiết lập hệ thống sơ tán người dân sống tại khu vực đang bị lũ lụt thường xuyên đe dọa.
Một số nước châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc, đã triển khai kế hoạch di chuyển hàng triệu người trước mỗi cơn bão.
Theo các nhà khoa học, những nỗ lực này cần phải được nhân rộng ở châu Phi, khu vực đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.