Việc xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn trong khi doanh nghiệp đang gặp không ít rào cản, nhất là về cơ chế chính sách.
Biến rác thải thành năng lượng là công nghệ đang được áp dụng khá phổ biến tại các nước phát triển. Công nghệ này đem lại những hiệu quả vượt trội trong việc xử lý rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường với khả năng xử lý lượng rác lớn một cách triệt để.
Vì vậy, công nghệ đốt rác phát điện đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các nước có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Mặt khác, hiện doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản, nhất là về cơ chế chính sách, nên dù có vốn và công nghệ nhưng vẫn phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.
Xu thế tất yếu
Việt Nam còn hạn chế trong việc thu gom, xử lý và tiêu hủy với hầu như tất cả các loại chất thải.
Đối với các loại chất thải khác nhau, việc quản lý và hoạt động gắn liền với hạn chế trong giám sát và thiếu vốn để đầu tư và vận hành. Do đó, một lượng lớn các loại chất thải không được xử lý hoặc tiêu hủy một cách khó kiểm soát.
Đặc biệt một số địa phương có mật độ dân số đông, phát sinh nhiều rác thải, dẫn đến nước ngầm bị ô nhiễm, nguồn nước mặt bị nhiễm bẩn, ô nhiễm đất, lây lan bệnh tật và bị phơi nhiễm với ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ đốt chất thải.
Cùng với quá trình đô thị hóa, việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng nhiều, khối lượng phát sinh tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm.
Bởi vậy, theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần ưu tiên các cơ sở xử lý quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại, tập trung vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn chặn các tác động môi trường và sức khỏe, nhất là ứng dụng công nghệ chuyển hóa chất thải thành năng lượng.
Từ năm 2004, dự án chuyển hóa rác thải thành năng lượng (WtE) đã xuất hiện tại Việt Nam. Cho đến nay, đã có một số nhà đầu tư liên hệ với các địa phương để đề xuất thực hiện dự án đốt chất thải phát điện như: Dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện của Công ty Waste to Energy Pte.Ltd. (Singapore); Dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khu kinh tế Dung Quất của Công ty Fluid Tech (Australia); Dự án xử lý rác bằng nhiệt phân (Liên doanh giữa Công ty Đại Lâm và Entropic Energy Co, Mỹ).
Bên cạnh đó, Dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện của Công ty Keppel-Singapore đã nghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.000-2.000 tấn/ngày cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát triển công nghệ điện rác là mục tiêu đặt ra tại một số địa phương khi thu hút tư nhân tham gia vào quá trình xử lý rác, tiêu biểu như tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Quảng Bình, các nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động.
Cụ thể tại Cần Thơ, nhà máy đốt rác phát điện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Môi trường EB có công suất thiết kế là 400 tấn/ngày đêm, công suất hiện tại đạt 350 tấn/ngày đêm. Tổng kinh phí đầu tư 1.057 tỷ đồng, thời gian bắt đầu xây dựng là tháng 6/2017, hoạt động từ tháng 11/2018.
Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác trực tiếp, toàn bộ rác thải được đưa vào ủ để loại bỏ nước, sau đó đưa vào đốt. Quá trình nạp rác và ủ trong môi trường kín, hạn chế phát tán mùi.
Còn ở Quảng Bình, nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón hóa hữu cơ trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển dự án Việt Nam (VNP) là một tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất năng lượng tái tạo có tổng công suất 10MW điện, sử dụng 100% thiết bị, công nghệ đồng bộ, khép kín, hiện đại và tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức.
Cùng xu thế này, một số địa phương cũng tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội (công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); 2 Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…
Những rào cản cần gỡ bỏ
Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam được thành lập từ năm 2002, sau 17 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn đã nghiên cứu và sản xuất thành công rất nhiều sản phẩm thiết bị công nghệ cao, tính ứng dụng cao, giá thành hạ, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của thị trường trong nước và cạnh tranh tốt với sản phẩm ngoại nhập.
Nhất là các loại lò đốt rác phát điện, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế và các dây chuyền thiết bị xử lý môi trường. Ngoài hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc, Tập đoàn đang mở rộng thị trường hoạt động ra ngoài lãnh thổ Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Philippines.
Đề cập về hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực xử lý chất thải hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng chính sách thu hút của Nhà nước chưa rõ ràng về xử lý rác thải sinh hoạt.
Hơn nữa, tâm lý sính ngoại vẫn lấn át. Nhiều cơ quan, ban, ngành và nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng sản phẩm nhập khẩu mới tốt, Việt Nam chưa làm được. Chính những bất lợi này khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi tham gia xử lý rác.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch và lựa chọn địa điểm xử lý rác tại nhiều nơi trên toàn quốc rất khó khăn, do người dân phản đối, sợ ô nhiễm sau khi xử lý.
Để xử lý được rác thải nông thôn một cách triệt để, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, có sự phối hợp từ các cơ quan đoàn thể để vận động người dân hiểu và cùng tham gia công tác xử lý rác.
Đơn cử như tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cho dù huyện đã triển khai dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại với diện tích 10ha tại xã Đông Lỗ, nhưng cho đến nay mới chỉ giải phóng mặt bằng được 5ha. Nguyên nhân là do người dân địa phương chưa đồng tình với dự án này vì lo sợ môi trường bị ô nhiễm.
Đặc biệt, các cơ chế về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ.
Quyết định số 31/2014/QĐ-Ttg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện, khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này.
Quyết định 31/2014 mới chỉ áp dụng giá mua điện đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp, đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Đến nay, cũng chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác.
Trong khi đó, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác vấp phải nhiều thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1-2 năm. Sau đó, doanh nghiệp còn phải hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…
Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, góp phần hình thành ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam