50 quốc gia dễ bị tổn thương bởi giá lương thực tăng cao chỉ chiếm 26,1% GDP toàn cầu, nhưng chiếm 59,1% dân số thế giới.
Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi sự tăng vọt của giá lương thực chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế thế giới, nhưng lại có tỷ trọng dân số cao so với thế giới, các nhà phân tích của ngân hàng Nomura cho biết. Giá lương thực tăng liên tục không có khả năng gây ra suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên quy mô toàn cầu.
Theo tính toán của ngân hàng Nomura, 50 quốc gia dễ bị tổn thương bởi giá lương thực tăng cao chỉ chiếm 26,1% GDP toàn cầu, nhưng chiếm 59,1% dân số thế giới.
Những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều từ giá lương thực tập trung ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Á. Ngân hàng Nomura cho biết, các quốc gia này có GDP bình quân đầu người thấp, có tỷ lệ tiêu dùng thực phẩm cao trong hộ gia đình và là những nước nhập khẩu thực phẩm lớn. Ngân hàng này cũng nhấn mạnh, một số nền kinh tế đã kiệt quệ do chiến tranh tàn phá và người dân phải chịu cảnh nghèo đói cùng cực.
Theo chỉ số xếp hạng của ngân hàng Nomura, những quốc gia dễ bị tổn thương trước sự tăng giá thực phẩm là: Libya, Tajikistan, Montenegro, Syria, Algeria.
Theo ngân hàng Nomura, người dân ở các quốc gia này dành phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm, nơi ở và các nhu yếu phẩm khác. Vì thế khi giá tăng, họ sẽ dành phần lớn thu nhập của mình cho thực phẩm, và giảm bớt chi phí của các nhu yếu phẩm khác.
Ví dụ, nhập khẩu thực phẩm ròng của Libya đứng ở mức 9,1% GDP, theo dữ liệu từ Tổ chức Nông – Lương (FAO) của Liên Hợp Quốc mà Nomura sử dụng trong báo cáo của mình. Trong khi đó, New Zealand, được xếp hạng là ít dễ bị tổn thương nhất với lạm phát giá lương thực, có giá trị xuất khẩu thực phẩm ròng là 9,5% GDP.
Theo báo cáo của FAO năm 2018, chỉ 22% hộ gia đình Libya tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, như trồng trọt hoặc chăn nuôi, gần như tất cả họ tiêu thụ những gì sản xuất được. Tuy nhiên, việc tăng sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nữa sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực của Libya và giúp họ chống lại những cú sốc trong tương lai.
“Điều này đúng với các hộ gia đình và toàn bộ Libya”, theo FAO. Quốc gia này đã trải qua tình trạng trì trệ trong lĩnh vực nông nghiệp và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực trong nhiều năm, cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng.
Theo ngân hàng Nomura, biến đổi khí hậu, giá dầu tăng và sự mất giá của đồng USD đều có thể gây ra sự tăng giá mạnh của thực phẩm. Và khi thực phẩm tăng giá, có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội, và cuối cùng thúc đẩy các chính phủ can thiệp thông qua việc giảm xuất khẩu của họ.
Theo số liệu FAO công bố, từ tháng 6/2010 đến tháng 2/2011, chỉ số giá lương thực đã tăng 41%.