Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMJ (British Mediacal Journal), con số về những vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí có thể cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, và việc nhập viện trong tình trạng từ suy tim đến nhiễm trùng đường tiết niệu tăng khi không khí bẩn hơn.
Ô nhiễm không khí có liên đới đến một số bệnh, từ đột quỵ đến ung thư não, sẩy thai và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tác động có thể rộng hơn nhiều, mặc dù chỉ nhìn vào một thành phần của ô nhiễm không khí. Điều này phù hợp với một đánh giá toàn cầu được công bố đầu năm nay chỉ ra rằng hầu hết mọi tế bào trong cơ thể đều có thể chịu ảnh hưởng từ không khí bẩn.
“Động lực của [nghiên cứu mới] là thực hiện một nghiên cứu toàn diện nhất để xem xét tất cả các nguyên nhân nhập viện [dính dáng] tới tình trạng phơi nhiễm bụi mịn”, Giáo sư Francesca Dominici, thuộc Đại học Harvard và đồng tác giả tác giả của nghiên cứu, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích hơn 95 triệu yêu cầu chi trả bảo hiểm từ năm 2000 đến 2012 của các bệnh nhân nội trú từ 65 tuổi trở lên và có tham gia chương trình Medicare.
Tiếp đó, nhóm nghiên cứu ô nhiễm không khí, tập trung vào mức độ của bụi mịn, được gọi là PM2.5, phát thải từ phương tiện giao thông và nhà máy điện. Bằng cách gói gọn dữ liệu chất lượng không khí từ nhiều nguồn, nhóm ước tính mức PM2.5 cho mỗi bệnh nhân theo mã bưu chính.
Nhóm nghiên cứu cũng so sánh mức độ ô nhiễm không khí tại bệnh viện cho từng bệnh nhân trong hai ngày với các điểm khác ở cùng thời điểm.
Cách tiếp cận này về cơ bản có tính đến các yếu tố như tuổi tác, tình trạng kinh tế xã hội và thậm chí là bệnh béo phì, bởi đã coi mỗi bệnh nhân làm nguồn tham chiếu cho chính họ. Biến động về nhiệt độ không khí và các yếu tố khác cũng được tính tới một cách riêng biệt.
Kết quả càng củng cố các nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa phơi nhiễm ngắn hạn với không khí bẩn và các bệnh như suy tim, viêm phổi và đau tim.
Phân tích cho thấy mức PM2.5 tăng trung bình chỉ 1 microgam/m3 trong hai ngày có liên quan đến sự gia tăng 68 người già/một tỷ người được đưa đến bệnh viện trong ngày hôm sau vì suy tim.
Nói cách khác, ô nhiễm không khí tăng lên cũng làm tăng 0,14% nguy cơ người già phải nhập viện vì suy tim.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nêu mối liên quan giữa các bệnh bao gồm nhiễm trùng máu, bệnh Parkinson và nhiễm trùng đường tiết niệu với chất lượng không khí kém hơn. Sự gia tăng PM2.5 ngắn hạn có liên quan đến hơn 39 người già/1 tỷ người được đưa đến bệnh viện vào ngày hôm sau vì các bệnh này.
Mặc dù thoạt nhìn thì rủi ro tăng không đáng kể nhưng nhóm nghiên cứu cho biết mức tăng 1 microgam PM2.5/m3 xảy ra vào hơn 122 ngày mỗi năm. Và dữ liệu cho thấy sự gia tăng ngắn hạn PM2.5 dính dáng đến mức tăng trung bình hàng năm 634 ca tử vong và khoảng 100 triệu USD chi phí y tế cho bệnh nhân nội trú và hậu cấp tính.
Ngay cả khi xem xét những ngày chất lượng không khí nằm trong giới hạn WHO đặt ra, nhóm nghiên cứu vẫn thấy xu hướng này duy trì. Theo tác giả chính của nghiên cứu Yaguang Wei, ảnh hưởng sức khỏe từ PM2.5 không bị hạn chế trong mỗi cơ quan đơn lẻ.
“Nó có tác dụng mang tính hệ thống tới nhiều quá trình sinh lý bệnh học như viêm nhiễm và cân bằng điện giải nước”.
Dù chưa thể chứng minh rằng ô nhiễm không khí gây ra các bệnh trên, nhóm cho rằng nghiên cứu này tăng thêm trọng lượng cho lời kêu gọi rà soát các hướng dẫn về ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ Ioannis Bakolis, thuộc trường King’s College London, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng ý với nhận định trên: “Những hướng dẫn này cần được rà soát, bởi theo kết quả của nghiên cứu có tới 9% dân số sống trong giới hạn của WHO có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi nồng độ ô nhiễm không khí và các chi phí liên đới”.
Dù đưa ra nhiều cảnh báo chi tiết nhưng nghiên cứu vẫn có những hạn chế nhất định như chỉ xem xét một thành phần của ô nhiễm không khí và chỉ gói gọn trong ô nhiễm không khí ngoài trời gần nhà bệnh nhân.
Hơn nữa, nghiên cứu không giải thích cho những thay đổi ngắn hạn về hành vi có thể biến đổi theo mức độ ô nhiễm không khí – chẳng hạn như mức độ hoạt động thể chất – trong khi chưa rõ liệu kết quả tính đến những người không tham gia Medicare, kể cả những người trẻ tuổi hơn.
Trong bài mào đầu, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Southampton nêu rõ nghiên cứu cho thấy số liệu về số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí – 800.000/năm ở châu Âu – có khả năng bị đánh giá thấp hơn nhiều mức thực tế, và cần thiết phải hành động.
“Rõ ràng, vẫn còn nhiều điều phải học, nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn lỗ hổng kiến thức về sự thiếu sót của bằng chứng. Chúng ta hành động càng sớm, thế giới càng chóng được lợi”.
Nhật Anh (Theo Guardian)