Cứu lấy Thỏa thuận Paris – đó là thách thức lớn nhất của Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) sẽ khai mạc hôm nay, 3.12, tại Madrid, Tây Ban Nha, trong bối cảnh thế giới chưa bao giờ chứng kiến những tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng đến thế.
25.000 đại biểu sẽ tham dự hội nghị kéo dài 2 tuần, trong bối cảnh thế giới đang phải gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra từ Nam Mỹ tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở nhiều nước… Một loạt báo cáo của các cơ quan khí tượng gần đây cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, không đơn thuần là vấn đề dài hạn mà là cuộc khủng hoảng toàn cầu, nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ không còn điểm quay đầu.
Bộ trưởng Chile Carolina Schmidt – quốc gia đồng Chủ tịch COP25 bày tỏ hy vọng vào các bước đi tích cực để đối phó với tình trạng ấm nóng toàn cầu. “Hội nghị COP25 khai mạc cho thấy sự khẩn cấp và tham vọng để thực sự đạt được các mục tiêu chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau, trước sự khẩn cấp để tạo ra thay đổi, đặt người dân làm trung tâm và theo một cách công bằng – đó là cách duy nhất các nước nên hợp tác”, bà Schmidt nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ hiện nay, gần như chắc chắn rằng các nước sẽ thất bại trong mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C như nội dung Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Vì vậy rất nhiều kỳ vọng hội nghị lần này sẽ là dịp để các nước đưa ra những cam kết khắt khe hơn.
Kỳ vọng là rất lớn nhưng rõ ràng cơ hội để đạt được bước đột phá tại hội nghị này không nhiều. Tính đến nay chỉ có 71 nước, hầu hết có lượng khí thải thấp, cam kết đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050.
Các nước lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ khó có khả năng đưa ra các mục tiêu lớn hơn, với khẳng định rằng họ đang làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. Ngoài ra vẫn có sự tranh cãi giữa các nước giàu và phát triển trong các khoản đóng góp và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu tích cực trước thềm COP25 là việc Nghị viện châu Âu đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường. Bà Ursula von der Leyen, người vừa chính thức giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 1.12 tuyên bố, châu Âu sẽ trở thành lục địa đầu tiên giảm phát thải xuống mức 0 vào năm 2050 và mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030 sẽ phải “tham vọng” hơn nữa.
Trong một diễn biến tích cực khác, bất chấp việc Mỹ đang sửa soạn rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và nhiều khả năng không cử phái đoàn cấp cao tới dự COP25 thì ngày 1.12 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chính thức thành lập liên minh các cá nhân nổi tiếng chống biến đổi khí hậu. Với tên gọi “Chiến tranh thế giới lần thứ 0”, ý tưởng này tập hợp các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị như ông Kerry hay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, điện ảnh như diễn viên Arnold Schwarzenegger, Leonardo Dicaprio, âm nhạc như nữ ca sĩ Emma Watson… với kỳ vọng tạo ra làn sóng ảnh hưởng giúp mọi người ý thức được tình trạng khẩn cấp của môi trường.