Nhóm các nước chịu nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu cùng ra thông cáo kêu gọi các nước công nghiệp hãy hành động, trước cuộc đàm phán quan trọng về biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đang sa lầy vào mối đe dọa cấp bách, liên quan tới sự tồn tại của toàn hành tinh”, lãnh đạo 44 nước trong Liên minh Các quốc đảo Nhỏ (AOSIS) cho biết trong một thông cáo chung, được đưa ra trước vòng đàm phán quan trọng bắt đầu ngày 2/12 ở Madrid về thực hiện Hiệp định Paris năm 2015.
“Những tác động là thật và cấp bách đối với người dân ở các đảo nhỏ. Đó không nhất thiết phải là định mệnh”, thông cáo viết.
Nhiều đảo nhỏ ở Thái Bình Dương có nguy cơ bị nhấn chìm nếu nhiệt độ tăng lên quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Trong khi đó, với cam kết hiện tại từ Hiệp định Paris, thế giới vẫn sẽ phải chịu mức tăng nhiệt độ “thảm họa” là 3 độ C, theo thông cáo.
“Chúng tôi coi các cuộc đàm phán này là cơ hội cuối cùng để có hành động mang tính quyết định”, Janine Felson, phó chủ tịch của AOSIS nói với Guardian.
Clarence Samuel, nhà đàmphán trưởng của Marshall Islands, cho biết không chỉ các đảo nhỏ, mà các nước phát triển cũng chịu nguy cơ.
“Không ai trong chúng ta được miễn”, ông nói với Guardian. “Cả tháng nay chúng ta đã kinh hoàng khi thấy người anh em Thái Bình Dương là Australia phải chứng kiến đất nước mình bị cháy (rừng), do cuộc khủng hoảng khí hậu mà chính con người gây ra”.
Để đạt được Hiệp định Paris (nhiệt độ tăng 3 độ C), thế giới vẫn cần đặt ra các chỉ tiêu giảm phát thải gắt gao hơn, nhưng các cuộc đàm phán năm nay (có tên gọi COP25, diễn ra từ 2-13/12) sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, như cơ chế chuyển nhượng hạn mức phát thải carbon trong hiệp định.
Các vấn đề kỹ thuật đó sẽ giúp hoàn tất “bộ quy tắc” của Hiệp định Paris, tức các quy tắc về đo đạc lượng phát thải. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng vấn đề thực chất hơn là chỉ tiêu giảm phát thải bao nhiêu vẫn chưa được giải quyết, khi hạn cuối 2020 đang tới gần.
Theo Hiệp định Paris, vào năm 2020, các nước sẽ phải đặt ra chỉ tiêu giảm phát thải mạnh mẽ hơn, khi các chỉ tiêu hiện tại mãn hạn.
Một vấn đề tối quan trọng khác là chỉ tiêu giảm phát thải năm 2030, mang tính quyết định Hiệp định Paris thành công hay thất bại. Nhưng các trao đổi về chỉ tiêu 2030 phần lớn chỉ diễn ra một cách không chính thức bên lề của COP25.
Ngoài ra, có những mâu thuẫn về việc tài trợ tiền để các nền kinh tế đang phát triển giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu, và liệu các nước nghèo có nên được các nước giàu đền bù về thiệt hại do nóng lên toàn cầu hay không.
COP25 diễn ra ở Madrid sau khi nước chủ nhà ban đầu Chile không thể tổ chức do biểu tình và bạo loạn.