Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội mới đây lại một lần nữa khiến người dân lo lắng, khi mà 6 ngày cuối tháng 11 chất lượng không khí thành phố vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép, chủ yếu ở mức kém và đã đến ngưỡng xấu. Như vậy là, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã kéo dài gần như suốt cả năm. Chính quyền cũng như cơ quan chuyên ngành đều đã đưa ra lý giải, nhưng chất lượng không khí vẫn không được cải thiện.
Vẫn tiếp tục cảnh báo
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, vào thời điểm 10 giờ sáng trong ngày cuối tháng 11, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại trạm đo đặt tại đường Phạm Văn Đồng là 172, điểm tại Đại sứ quán Pháp (phố Bà Triệu) là 173, điểm tại Đại sứ quán Mỹ (đường Láng Hạ) là 182, điểm Hàng Đậu là 177- có nghĩa là đều ở mức xấu. Cũng trong ngày 30/11, trang Airvisual công bố chỉ số AQI tại khu vực Hồ Tây lên tới 216 (mức rất xấu), khu vực Sài Đồng (Long Biên) là 196.
Cũng cần nhắc lại, theo quy định, chỉ số AQI từ 0-50 là tốt; từ 51-100 trung bình; từ 101-150 kém; từ 151-200 xấu; từ 201-300 rất xấu; 301-500 nguy hại.
Như vậy là từ đầu năm tới nay, ít nhất thì Hà Nội đã phải chịu đựng 4 đợt ô nhiễm không khí (ONKK). Điều đó cũng có nghĩa là cả năm 2019 này, Hà Nội phải đương đầu với ONKK, trong khi giải pháp cải thiện là không rõ ràng.
Cụ thể, đợt 1 kéo dài 16 ngày (từ 11/1 đến 26/1). Đợt 2 kéo dài 17 ngày (từ 11/3 đến 27/3). Đợt 3 kéo dài 27 ngày (từ 12/9 đến 3/10). Đợt 4 từ ngày 1/11 đến nay. Tất cả các đợt ô nhiễm được cảnh báo này đều có chỉ số AQI trung bình lên hơn 100, tức là ở mức có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Trong sáng hôm qua (ngày 1/12), không chỉ tại các điểm có trạm đo chất lượng không khí mới ô nhiễm, mà người dân bình thường khi đi trên nhiều tuyến đường nội thành cũng cảm thấy điều đó. Tại khu vực Cầu Giấy, nơi rất đông dân cư, khoảng từ 8 giờ dến 10 giờ sáng trời mù mịt, khiến người ta có cảm giác như bụi bay trong không gian. Còn trước đó (đêm 30/11), trên các tuyến đường Xã Đàn, Nguyễn Trãi, Vành đai 3… nhiều người thật sự ngạc nhiên khi đèn đường vốn sáng trắng thì nay lại mờ đỏ. Bụi mịn trong không khí có thể không thấy vào ban ngày, nhưng đêm xuống nó đã hiện hình qua việc làm thay đổi màu sáng của hệ thống đèn đường.
Nguyên nhân?
Lý giải nguyên nhân ONKK tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã được đưa ra. PGS Nghiêm Trung Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội (như hiện tại) là đặc thù của thời tiết, không thuận lợi cho việc khuếch tán. Có nghĩa là nó tạo ra sự ngưng đọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, ONKK ở Hà Nội trong tháng 11 là do gió mùa Đông Bắc mang bụi từ nơi khác tới. Một nguyên nhân nữa là chất thải công nghiệp trong xây dựng, khí thải từ việc vận hành của ô tô, xe máy. Cũng có ý kiến cho rằng việc đốt rơm của bà con nông dân ngoại thành gây hiện tượng mù mịt không khí nội thành. Lại cũng có ý kiến do khu vực miền Bắc nhiều ngày không mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao cũng dẫn tới ONKK.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/10, theo Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định thì có tới 12 nguyên nhân tác động khiến tình trạng ONKK tăng caonhư: Khí xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, than tổ ong còn tiếp diễn; vật liệu quản lý phá dỡ các công trình xây dựng, quá trình phá dỡ, vận chuyển chưa kiểm soát; mùi hôi thối rác thải chưa xử lý được; đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận và tình trạng chuyển mùa khiến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn trở nên trầm trọng hơn…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tất cả những lý giải đó đều chỉ là “tiệm cận” thực tế, người ta vẫn hoài nghi chưa tìm ra nguyên nhân chính của hiện tượng này. Và như thế cũng có nghĩa là chưa tìm ra giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô. Một ví dụ về điều này, nói như ông Hoàng Dương Tùng- Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch thì cần xác định thời tiết hay hiện tượng nghịch nhiệt chỉ là điều kiện làm tăng hoặc giảm mức độ ô nhiễm, chứ không phải là nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Từ đó, ông Tùng cho rằng cần nhanh chóng tiến hành các phương pháp nghiên cứu khoa học để đưa ra con số cụ thể.
Xin nhắc lại, vào lúc 8h50’ sáng 26/9, ứng dụng quan trắc không khí Airvisual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204.
Lúc đó, nhiều ý kiến phản ứng kết quả này, cho rằng không chính xác. Nhưng thực tế cho thấy kể từ đó tới nay ONKK tại Hà Nội vẫn tiếp tục.
Chưa chủ động ứng phó
Tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội đã trở thành vẫn đề cấp bách. Chính quyền cũng như cơ quan chức năng từng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, nếu ra đường thì nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi mịn, gây hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, giải pháp cải thiện chất lượng không khí thì vẫn chưa rõ ràng.
Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng, nếu trời mưa thì chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Trong số những ý kiến thuộc dạng này, có ý kiến của ông Ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Điều đó đúng nhưng suy cho cùng cũng là thụ động, là… nhờ giời chứ không phải từ sự chủ động ứng phó của con người. “Tự cứu mình trước khi Trời cứu”, đó mới là cách tốt nhất chứ không phải đổ cho việc nọ việc kia gây ONKK. Nếu nói rằng ONKK do than tổ ong, do đốt rơm rạ… thì từ trước tới giờ vẫn thế, nhưng sao trước kia không ô nhiễm? Đành rằng (theo cơ quan chức năng) Hà Nội có tới 55.000 bếp than tổ ong, 5,7 triệu chiếc xe máy, nhưng cũng khó có thể nói đó là nguyên nhân chính và việc “dẹp bỏ” cũng không dễ dàng gì.
Vấn đề cần nhất hiện giờ là xác định rõ nguyên nhân gây ONKK ở Hà Nội, từ đó mới hy vọng tìm ra cách xử lý rốt ráo. Nếu không thì có lẽ cũng chỉ còn cách đợi… trời mưa giúp làm sạch bầu không khí mà thôi.