Hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành, trong đó chủ yếu là tại châu Âu và châu Á, nhằm kêu gọi hành động để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ngày 29/11, hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành, trong đó chủ yếu là tại châu Âu và châu Á, nhằm kêu gọi hành động để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, với hy vọng có thể gây sức ép với các nhà lãnh đạo thế giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP25 tại Tây Ban Nha.
Các cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp châu Âu dù quy mô nhỏ hơn so với làn sóng tuần hành khí hậu vào tháng Chín vừa qua, khi các nhà tổ chức ước tính khoảng 4 triệu người đã xuống đường trên khắp thế giới.
Với biểu ngữ “Một hành tinh, một cuộc chiến,” hàng nghìn người đã đổ về Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin (Đức) để tham gia cuộc tuần hành hưởng ứng phong trào “Thứ Sáu về tương lai,” được lấy cảm hứng từ nhà hoạt động Greta Thunberg.
Theo phong trào “Thứ Sáu về tương lai,” tổng cộng khoảng 630.000 người đã tuần hành trên khắp hơn 500 thành phố của Đức.
Cảnh sát cho biết chỉ riêng tại Hamburg, số người tuần hành đã lên tới khoảng 30.000 người, chủ yếu là những người trẻ tuổi, trong khi con số này tại Munich là 17.000 người.
Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nơi sẽ diễn ra Hội nghị COP25, ước tính khoảng 1.700 người đã tuần hành nhằm kêu gọi các chính phủ tăng cam kết về cắt giảm khí thải và chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Còn tại Pháp, các nhà hoạt động đã chặn trung tâm phân phối của hãng bán lẻ Amazon ở ngoại ô thủ đô Paris và các khu vực khác gần Lyon và Lille.
Những người tuần hành tại Paris đã phong tỏa trung tâm mua sắm La Defense để ngăn người dân tiếp cận các cửa hàng, cũng như nhấn mạnh tác động của chủ nghĩa tiêu dùng đối với khí hậu.
Trong khi đó, Hà Lan đã ghi nhận tuần hành diễn ra tại 15 thành phố. Hàng trăm người trẻ tuổi cũng đã tuần hành tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, nơi nhà hoạt động Thunberg sẽ xuất hiện trước khi lên đường tới Madrid.
Trái ngược với xu hướng tham gia đông đảo tại Âu, số người tuần hành tại Mỹ và Canada thấp hơn nhiều do sự kiện diễn ra trùng vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn.
Tại thủ đô Washington (Mỹ), sự kiện này chỉ thu hút 50 người, trong khi con số này tại New York là 100 người.
Cảnh sát New York đã bắt giữ 23 người phản đối chủ nghĩa tiêu dùng, do biểu tình ngồi bên ngoài cửa hàng bách hóa Macy.
Tại Montreal của Canada, các nhà hoạt động môi trường đã phân phát quần áo cũ để khuyến khích mọi người tiêu dùng ít hơn.
Cùng ngày, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 50 sinh viên và học sinh tuần hành đến Bộ Môi trường, mang theo áp phích, hô vang biểu ngữ yêu cầu chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Theo Liên hợp quốc, Ấn Độ hiện là một trong những nơi có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất khi có tới 14/15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Trước đó, hàng trăm người đã tuần hành bên ngoài trụ sở đảng Tự do cầm quyền tại thành phố Sydney của Australia, mở màn hàng loạt các cuộc tuần hành trên khắp thế giới.
Các cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh 200 quốc gia đang chuẩn bị nhóm họp tại hội nghị COP25 ở Madrid vào tuần tới.
Hội nghị sẽ chủ yếu tập trung vào việc hoàn tất nội dung cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để hiệp định có thể được triển khai năm 2021.
Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã đề ra những mục tiêu nhằm làm giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng những nỗ lực nhằm giảm mức tăng nhiệt độ của Trái Đất xuống còn 1,5 độ C đang suy giảm, trong khi lượng khí thải carbon lại đang có xu hướng tăng lên.
Để đáp ứng mục tiêu trên, thế giới cần phải giảm lượng khí thải này ở mức 7,6%/năm.