Quảng Nam liên tiếp phát hiện nhiều vụ phá rừng, các ngành chức năng đã tăng cường công tác giữ và bảo vệ. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng phòng hộ vẫn không giảm. Tại rừng phòng hộ Sông Tranh (thuộc xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My), hàng chục cây cổ thụ bị đốn hạ la liệt, gỗ được tập kết ra bìa rừng rồi vận chuyển đi tiêu thụ.
Phá rừng công khai
Nhận được phản ánh của người dân về tình hình khai thác gỗ trái phép ở khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh tại thôn 1 (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My) vẫn đang diễn ra táo bạo, chúng tôi lập tức lên đường. Đi hết những cánh rừng nghèo, dân chuyển đổi trồng keo, thì ngay khoảnh giáp với rừng phòng hộ, chúng tôi phát hiện tại đây có 16 phách gỗ dài khoảng 3m, rộng 40cm được tập kết, gỗ còn tươi và dấu xẻ rất mới.
Lần theo dấu mòn kéo gỗ, đến sâu trong rừng phòng hộ, chúng tôi choáng ngợp bởi hiện trường hàng chục cây gỗ cổ thụ đường kính từ 0,5-1,2m đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. Ngoài những gốc cây tươm mủ vì mới đốn hạ, xung quanh còn 5 phách gỗ dài chừng 5m, rộng 15cm được tập kết, trong đó có 2 phách gỗ đã được móc vào dụng cụ để trâu kéo.
Tiếp tục đi dọc theo con đường mòn đầy dấu chân trâu và dấu vết của việc kéo gỗ đi về phía rừng già, chúng tôi phát hiện dấu vết gỗ cưa còn mới, một số cây gỗ lớn bị cưa hạ, gỗ đã được xẻ mang đi chỉ còn lại trơ gốc. Đi theo những con đường có dấu vết trâu kéo gỗ còn mới, chúng tôi tiếp tục phát hiện những cây gỗ có đường kính từ 40cm – 1,2m đã bị cưa hạ, trong đó có một số cây nằm dưới đất nhưng chưa bị xẻ gỗ lấy đi. Nhiều nơi, mùn cưa nằm chất đống xen lẫn với phần lõi cây, bìa cây bỏ lại tại hiện trường. Qua đo đếm, có khoảng 30 cây gỗ bị đốn hạ.
Cơ quan chức năng có hay biết?
Ông Phạm Xuân Bách – Chủ tịch UBND xã Trà Giác – cho biết, khu vực phá rừng bị xâm hại đã được Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Tranh ký hợp đồng với người dân giao khoán bảo vệ, chính quyền địa phương chỉ phối hợp quản lý. Tổng diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã hơn 15.000ha. Thời gian qua, địa phương phối hợp với BQL rừng phòng hộ Sông Tranh, 4 tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng tiến hành tuần tra, bảo vệ rừng.
Ông Bách chia sẻ thêm, từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn chưa phát hiện vụ phá rừng nào xảy ra, tại địa phương cũng không có xưởng cưa..
Thế nhưng, người dân địa phương phản ánh, nhiều tháng qua rừng phòng hộ Sông Tranh liên tục bị lâm tặc tàn phá. Tại hiện trường, nhiều cây cổ thụ chỉ còn gốc và rơi rớt các phách gỗ không kịp vận chuyển trong rừng phòng hộ.
Ông Hồ Tất Thiện – Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (Quảng Nam) – xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ phá rừng phòng hộ ở xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My). BQL đang kiểm tra xác định mức độ thiệt hại, sau đó chuyển hồ sơ cho Hạt kiểm lâm Bắc Trà My xử lý.
Được biết, tỉnh Quảng Nam có tổng 223ha rừng bị thiệt hại. Năm 2019 phát hiện 464 vụ vi phạm, trong đó 23 vụ phá rừng thu về ngân sách sách nhà nước 4 tỉ đồng.