Trong những thập kỷ gần đây, một xu hướng nhiệt độ “cực đoan” ở Đức đã trở nên rõ ràng, đặc biệt số “những ngày nóng” với nhiệt độ vượt quá 30 độ C đã tăng đáng kể.
Ngày 26/11, Chính phủ Đức đã trình bày bản báo cáo giám sát quốc gia về chiến lược thích ứng của đất nước đối với những tác động của biến đổi khí hậu.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Đức dẫn báo cáo cho biết trong khoảng thời gian từ năm 1881 đến năm 2018, nhiệt độ trung bình hàng năm ở Đức đã tăng 1,5 độ C. Theo báo cáo, trong những thập kỷ gần đây, một xu hướng nhiệt độ “cực đoan” ở Đức đã trở nên rõ ràng, đặc biệt số “những ngày nóng” với nhiệt độ vượt quá 30 độ C đã tăng đáng kể.
Cụ thể, kể từ năm 1951, số ngày nóng ở Đức đã tăng từ mức trung bình khoảng 3 ngày/năm lên 10 ngày/năm. Báo cáo cũng ghi nhận mùa Hè năm 2003, 2018 và 2019 là khoảng thời gian nóng nhất ở Đức từ trước đến nay.
Theo báo cáo giám sát, nhiệt độ tăng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người cũng như gây ra hạn hán, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung cấp nước và hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, những tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều khu vực ven biển ở Đức bị ảnh hưởng bởi mực nước Biển Bắc và Biển Baltic tăng.
Trong phần trình bày báo cáo, Bộ trưởng Mội trường Đức Svenja Schulze nhấn mạnh cần có thêm nhiều hơn nữa các biện pháp bảo vệ khí hậu trên toàn cầu để có thể đối phó với những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra. Bà cũng cho biết những thay đổi trong mô hình thời tiết theo mùa có thể có tác động tích cực và tiêu cực đối với nền nông nghiệp của Đức.