Ít ai nghĩ rằng biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh như vậy. Bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả vốn từng bị coi là kịch bản không đáng quan tâm.
Trong nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà khoa học coi biến đổi khí hậu là một viễn cảnh xa xôi. Bây giờ chúng ta biết rằng suy nghĩ đó đã sai. Chẳng hạn mùa hè này, theo nhà khoa học khí hậu Bỉ Xavier Fettweis, một đợt sóng nhiệt ở châu Âu đã ập vào Bắc Cực, đẩy nhiệt độ trên khắp vùng Viễn Bắc lên mức của thập niên 80 và làm tan chảy khoảng 40 tỷ tấn băng Greenland.
Có một nhà khoa học vào đầu những năm 1990 đã dự đoán rằng trong vòng 25 năm, một đợt sóng nhiệt có thể làm tăng đáng kể mực nước biển khoảng 2% inch, đốt nóng Bắc Cực và tạo ra nhiệt độ như Sahara ở Paris và Berlin, tuy nhiên dự đoán này bị coi là chỉ gây hoang mang cho dư luận. Nhưng nhiều kịch bản xấu nhất ở thời điểm đó hiện trở thành thực tế.
Khoa học là một quá trình khám phá, có thể di chuyển chậm khi các mảnh được ghép vào nhau và các nhà khoa học tinh chỉnh công cụ điều tra. Nhưng trong trường hợp khí hậu, tranh cãi này trở thành sức ì sinh ra từ sự thận trọng và chính trị quan liêu. Một bài đăng gần đây trên tạp chí Scientific American lập luận rằng các nhà khoa học “có xu hướng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa và thực trạng các mối đe dọa này có thể xảy ra nhanh chóng” và một trong những lý do là “nhu cầu cần được lĩnh hội về sự đồng thuận”. Hậu quả nghiêm trọng là làm loãng đi ý thức cấp bách và giảm nhẹ quá mức chi phí thích ứng và di dời chỗ ở (vốn đã không lấy gì làm cao) khi hành tinh tiếp tục ấm lên.
Năm 1990, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu – nhóm của Liên hợp quốc gồm hàng nghìn nhà khoa học đại diện cho 195 quốc gia – cho biết trong báo cáo đầu tiên rằng biến đổi khí hậu sẽ đến với tốc độ từ từ, rằng băng vĩnh cửu chứa đầy mê-tan ở Bắc cực không có nguy cơ tan chảy và các tảng băng ở Nam Cực ổn định.
Dựa vào đánh giá của Ủy ban, các nhà kinh tế ước tính rằng tác động kinh tế sẽ nhỏ, tiếp sức cho luận điệu đi ngược lại cách tiếp cận mạnh mẽ để giảm phát thải và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Như chúng ta biết, tất cả những dự đoán đó hóa ra hoàn toàn sai. Điều gì khiến bạn tự hỏi liệu những rủi ro dự kiến của sự nóng lên hơn nữa, nghiêm trọng như chúng có, vẫn có thể bị nói giảm đi thì mọi thứ sẽ tệ đi đến mức nào?
Cho đến nay, các chi phí phải trả cho việc đánh giá không đúng là rất lớn. Hệ thống tàu điện ngầm ở New York không bị ngập lụt trong 108 năm đầu tiên, nhưng cơn bão Sandy năm 2012 đã gây thiệt hại gần 5 tỷ USD về nước, phần lớn vẫn chưa được sửa chữa. Năm 2017, cơn bão Harvey đã mang đến cho Houston và khu vực xung quanh một bài học trị giá 125 tỷ USD về các chi phí cho việc đánh giá sai tiềm năng của lũ lụt.
Ủy ban về biến đổi khí hậu dường như cuối cùng đã bắt kịp với lực hấp dẫn của cuộc khủng hoảng khí hậu. Năm ngoái, tổ chức này đã nêu chi tiết về khó khăn phi thường của việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5o C trong 80 năm tới, và hậu quả nghiệt ngã sẽ xảy ra ngay cả khi mục tiêu đó được đáp ứng.
Một báo cáo riêng của Liên hợp quốc đã kết luận nhiều khả năng chúng ta sẽ nóng lên ít nhất 5,4o F. Điều đó sẽ dẫn tới thiệt hại gần như không thể tưởng tượng được đối với các nền kinh tế và các hệ sinh thái. Thật không may, thực tế này đến sau hơn 30 năm biến đổi khí hậu do con người gây ra đã trở thành vấn đề chính.
Từ “lật ngược” không mang lại công bằng cho cuộc cách mạng trong khoa học khí hậu do phát hiện ra sự thay đổi khí hậu đột ngột. Việc nhận ra rằng khí hậu toàn cầu có thể dao động giữa thời kỳ ấm và lạnh đi trong vài thập kỷ hoặc thậm chí nhanh hơn là một cú sốc sâu đối với các nhà khoa học nghĩ rằng những thay đổi đó cần tới hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mới xảy ra.
Giới khoa học biết các vụ phun trào núi lửa lớn hoặc các vụ va chạm tiểu hành tinh có thể ảnh hưởng nhanh chóng đến khí hậu nhưng những sự cố như vậy không phổ biến và không thể đoán trước. Bỏ qua các sự cố hiếm có như thế, những biến đổi về khí hậu trông ổn định và trơn tru – hậu quả của các yếu tố địa vật lý di chuyển chậm như chu kỳ quỹ đạo trái đất kết hợp với độ nghiêng của trục hành tinh, hoặc dịch chuyển lục địa.
Sau đó, vào những năm 1960, một vài nhà khoa học bắt đầu tập trung vào một sự kiện bất thường diễn ra sau kỳ băng hà cuối cùng. Bằng chứng phân tán cho thấy sự nóng lên sau kỳ băng hà bị gián đoạn bởi hiện tượng hạ nhiệt đột ngột bắt đầu khoảng 12.000 năm trước rồi bất ngờ kết thúc 1.300 năm sau đó. Kỳ băng hà mini này được đặt tên là Younger Dryas theo tên một loại cây (Dryas octopetala) sinh sôi nảy nở trong thời kỳ đó.
Lúc đầu, một số nhà khoa học đặt câu hỏi về độ nhanh và phạm vi toàn cầu của hiện tượng hạ nhiệt. Một báo cáo năm 1975 của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ thừa nhận Younger Dryas nhưng kết luận rằng phải mất nhiều thế kỷ để khí hậu biến đổi một cách có ý nghĩa. Nhưng không phải ai cũng đồng ý. Nhà khoa học khí hậu Wallace Broecker thuộc trường Columbia đưa ra một lý thuyết rằng những thay đổi trong tuần hoàn đại dương có thể mang lại biến đổi khí hậu đột ngột như Younger Dryas.
Cũng chính Tiến sĩ Broecker, vào năm 1975, đã xuất bản một bài báo khoa học có tựa đề “Biến đổi khí hậu: Có phải chúng ta đang ở bên bờ vực của sự nóng lên toàn cầu?” dự đoán rằng phát thải CO2 sẽ làm tăng đáng kể nhiệt độ toàn cầu vào thế kỷ 21. Điều này bây giờ được coi là tiên tri nhưng tại thời điểm đó, Tiến sĩ Broecker là một dị biệt.
Sau đó, vào đầu những năm 1990, giới khoa học đã hoàn thành các nghiên cứu chính xác hơn về lõi băng được lấy từ lớp băng Greenland. Các đồng vị bụi và oxy được bao bọc trong lõi cung cấp một chứng thực khí hậu chi tiết từ nhiều liên đại hé lộ rằng đã có 25 sự kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng như Younger Dryas trong kỷ băng hà vừa qua.
Bằng chứng trong các lõi băng đó sẽ vai trò mấu chốt trong việc thay đổi nhận thức đã thành lối mòn. Như nhà sử học khoa học Spencer Weart đã nói: “Việc phát hiện ra biến khí hậu đột ngột như thế nào? Nhiều chuyên gia khí hậu sẽ hướng vào một khoảnh khắc: ngày họ đọc báo cáo năm 1993 về phân tích lõi băng Greenland. Trước đó, hầu như không ai tự tin tin rằng khí hậu có thể thay đổi hẳn trong vòng một hoặc hai thập kỷ; sau báo cáo, hầu như không ai dám chắc chắn rằng điều đó là không thể”.
Năm 2002, Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ thừa nhận thực tế về biến đổi khí hậu nhanh chóng trong báo cáo “Thay đổi khí hậu đột ngột: Những bất ngờ không thể tránh khỏi” mô tả sự đồng thuận mới như một “sự thay đổi thế giới quan”. Đây là một sự đảo ngược báo cáo năm 1975.
“Biến đổi khí hậu đột ngột quy mô lớn ảnh hưởng nhiều lần đến các khu vực ở tầm cỡ bán cầu đến toàn cầu, như thể hiện qua nhiều chứng thực khí hậu, và những thay đổi lên tới 16o C cùng lượng mưa đã xảy ra ở một số nơi trong thời gian ngắn theo đơn vị tính bằng thập kỷ hoặc bằng năm”.
Báo cáo của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ nói thêm rằng tác động của những thay đổi nhanh chóng tiềm tàng như vậy vẫn chưa được các nhà hoạch định chính sách và kinh tế xem xét. Ngay cả ngày hôm nay, 17 năm sau, một phần đáng kể công chúng Mỹ vẫn không biết hoặc không tin rằng những biến đổi đó đang xảy ra.
Khi các lớp băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy, mực nước biển sẽ tăng khoảng 68,6m trên toàn thế giới. Ít ai ngờ rằng điều đó sẽ xảy ra sớm. Nhưng bây giờ những lớp băng đó trông mỏng manh hơn nhiều so với những gì Ủy ban biến đổi khí hậu phát biểu vào năm 1995 rằng trong hàng trăm năm tới dự kiến có rất ít thay đổi.
Trong những năm sau đó, dữ liệu chỉ ra rằng cả Greenland và Nam Cực tan băng nhanh hơn nhiều dự đoán. Các thềm băng – phần nổi mở rộng của băng trên đất liền – giữ cho các dòng sông băng khỏi trượt xuống biển và cuối cùng tan chảy. Đầu những năm 2000, các thềm băng bắt đầu tan rã tại một số khu vực ở Nam Cực và giới khoa học nhận ra rằng quá trình này có thể tăng tốc sự sụp đổ của chính những lớp băng lớn hơn rất nhiều. Và một số sông băng lớn đang trực tiếp trút băng vào đại dương.
Năm 2014, một số nhà khoa học kết luận rằng sự sụp đổ không thể đảo ngược của lớp băng Tây Nam Cực đã bắt đầu, mô hình máy tính vào năm 2016 chỉ ra rằng sự tan rã của lớp băng này cộng dồn với các lớp băng khác tan chảy có thể làm tăng mực nước biển lên đến 1,82 m vào năm 2100 – mức tăng gấp khoảng hai lần kịch bản xấu nhất được đưa ra chỉ ba năm trước đó. Với tốc độ đó, một số thành phố ven biển lớn trên thế giới, kể cả New York, London và Hồng Kông, sẽ bị nhấn chìm.
Năm nay, một đánh giá hình ảnh vệ tinh trong 40 năm qua cho thấy lớp băng ở Đông Nam Cực – nơi được cho là tương đối ổn định – cũng có thể tan chảy một lượng lớn băng.
Khi dâng lên, nước biển cũng ấm lên với tốc độ không lường trước được như năm năm trước. Đây là tin rất xấu. Đại dương ấm hơn có nghĩa là những cơn bão mạnh hơn và sinh vật biển tàn lụi, và cũng cho thấy hành tinh này nhạy cảm với phát thải CO2 đang tăng hơn với suy nghĩ trước đây.
Băng vĩnh cửu tan chảy không tuân theo các dự đoán. Đấy là mặt đất đã bị đóng băng trong ít nhất hai năm liên tiếp và chiếm khoảng một phần tư diện tích đất lộ ra ở Bắc bán cầu. Năm 1995, nơi này được cho là ổn định. Nhưng năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ ước tính rằng có tới 90% lớp băng vĩnh cửu trên cùng của Bắc bán cầu có thể tan chảy vào năm 2100, giải phóng một lượng lớn CO2 và mê-tan vào khí quyển.
Đối với tất cả các dự đoán bị bỏ qua, những biến đổi về thời tiết đang xác nhận những dự tính trước đó rằng địa cầu ấm lên sẽ đi kèm với sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thời tiết cực đoan. Và có những phát hiện mới về những điều các nghiên cứu trước đây không lường trước được, chẳng hạn như các cơn bão tăng cấp cực kỳ nhanh chóng, Bão Dorian xảy ra ngày 1/9 đã duy trì tốc độ gió 150-185 dặm mỗi giờ chỉ trong chín giờ, còn năm ngoái Bão Michael chỉ mất hai ngày để từ áp thấp nhiệt đới phát triển thành cơn bão lớn.
Nếu chính quyền Trump vẫn một mình một phách, ngay cả những kịch bản xấu nhất đã được hiệu chỉnh cũng có thể trở nên quá màu hồng. Cuối tháng 8, chính quyền công bố kế hoạch lật ngược các quy định nhằm hạn chế lượng khí thải mê-tan từ khai thác dầu khí, bất chấp sự phản đối của một số công ty lớn nhất tuân theo các quy định đó. Gần đây hơn, hành động của chính quyền Trump ngả dần sang mức dị thường khi Bộ Tư pháp đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền với các công ty ô tô đã đồng ý về nguyên tắc tuân thủ những tiêu chuẩn tiết kiệm xăng cao hơn của California. Chính quyền cũng chính thức rút lại văn bản cho phép California đặt ra các giới hạn phát thải từ giao thông chặt chẽ hơn chính phủ liên bang.
Ngay cả khi giới khoa học sau rốt vẫn đánh giá không đúng mức về hậu quả của khí nhà kính mà chúng ta vẫn tiếp tục thải ra bầu khí quyển, dự đoán của họ cũng đã vô cùng đáng sợ. Nhưng thái độ của chính quyền Trump với biến đổi khí hậu rất rõ ràng: Mang đến đây!
Biến đổi khí hậu đã ở đây rồi. Và sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tệ hơn nhiều.
Nhật Anh (Theo New York Times)